1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM: Người lao động vẫn chật vật với lương tối thiểu vùng

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM nâng lương tối thiểu vùng theo kiểu đối phó dẫn đến mức lương của người lao động vẫn thấp, không theo kịp giá cả sinh hoạt.

TPHCM: Người lao động vẫn chật vật với lương tối thiểu vùng - 1

Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM nâng lương tối thiểu vùng theo kiểu đối phó dẫn đến mức lương của người lao động vẫn thấp, không theo kịp giá cả sinh hoạt.

UBND TPHCM vừa báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2020 theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo UBND TPHCM, tính đến ngày 18.5, có 6.939 doanh nghiệp tại TPHCM rà soát, điều chỉnh thang lương, bảng lương gửi đến cơ quan quản lý nhà nước.

Việc tăng mức lương tối thiếu vùng giúp người lao động đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu, tạo điều kiện tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp người lao động gắn bó hơn hơn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương gửi về cơ quan quản lý nhà nước về lao động còn thấp so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động trong gia đình. Một số doanh nghiệp thờ ơ với việc xây dựng thang lương, bảng lương hoặc có xây dựng thang lương, bảng lương nhưng chỉ mang tính thủ tục, hình thức để đối phó.

Theo quy định của Luật Công đoàn thì tổ chức Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Bộ luật Lao động thì khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Do vậy, một số doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương với lý do là chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở.

Nhiều doanh nghiệp có quy định về nâng bậc lương (trong thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương), tuy nhiên thực tế không áp dụng.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định nhưng đồng thời điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây, do đó mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.

Từ những bất cập trên, UBND TPHCM kiến nghị Bộ LĐTBXH cần có quy định cụ thể về thời hạn xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện khi có thông báo các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi cần thực hiện các thủ tục để được hưởng chế độ... nhằm tạo sự công bằng giừa các doanh nghiệp.

Đồng thời, UBND TPHCM cũng kiến nghị khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động.

Theo UBND TPHCM, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính đến ngày 14.4, trên địa bàn thành phố có 101.982 người lao động trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc không lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc.

Theo Minh Quân

Lao Động