1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Top những sai lầm thời đi học không nên lặp lại khi tìm việc

(Dân trí) - Vung vẩy trên tay tấm bằng đại học, bạn nhanh chóng lao vào tìm việc nhưng mãi không được. Rất có thể bạn vẫn chưa thoát khỏi sự đeo bám của những thói quen và sai lầm thời đi học - vốn là tảng đá cản đường bạn đến với công việc mơ ước.

Quá trình tìm việc không cho phép bạn phạm phải những sai lầm thiết tưởng chỉ có trong thời sinh viên dưới đây:

 

Nước đến chân mới nhảy

Bạn đã từng trắng đêm ngay trước ngày thi để học dồn học góp, tận dụng đêm dài và cà phê để viết cho xong bài tiểu luận. Thế nhưng, khi tìm việc, nếu bạn vẫn giữ câu nói thời đi học “Để mai tính” thì bạn đã tự cắt giảm cơ hội của chính mình.

Thông thường các bước chuẩn bị hồ sơ đòi hỏi nhiều thời gian, nhất là đối với các bạn ở tỉnh khi phải chứng thực hộ khẩu, lấy bảng điểm, đăng ký khám sức khỏe… Đó là chưa kể với một số công ty, hồ sơ đến trước thường được ưu tiên hơn, và bạn phải tạo sự khác biệt và điểm nhấn cho CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Ý tưởng hoàn thành hồ sơ nhanh chóng trong một ngày chắc chắn bảo đảm suất “out” trong vòng sơ tuyển.

Tương tự với vòng phỏng vấn, chiến thuật “một thời hữu dụng” của bạn cũng hoàn toàn mất tác dụng vì bạn cần nhiều thời gian để tìm hiểu về công ty, ngành nghề và những kỹ năng cũng như kinh nghiệm nhà tuyển dụng đòi hỏi cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Trì hoãn tức là bạn tự tước mất thời gian cần thiết cho phần chuẩn bị mang tính chất quyết định này.

 

Không kiểm tra lại bài trước khi nộp

Đó là lỗi thường gặp của học sinh - sinh viên. Bài tập làm xong tức là xong và bạn ít khi dành thời gian để xem lại trước khi nộp. Tuy nhiên, theo thống kê, 84% các giám đốc nhân sự rất dị ứng với các lỗi chính tả, đánh máy thường thấy trong CV và đơn việc. Nhiều trường hợp các ứng viên còn hồn nhiên mắc lỗi “râu ông này cắm cằm bà kia” khi ứng tuyển công ty A nhưng hồ sơ lại “chình ình” tên công ty B. Đó là những điểm thôi thúc nhà tuyển dụng thẳng tay loại bạn ngay từ vòng sơ khảo.

Một số ứng viên lại dùng đúng một mẫu CV và đơn xin việc cho mọi công việc. Thực chất, đối với mỗi vị trí ứng tuyển, bạn cần nhấn mạnh và làm nổi bật những điểm khác nhau về kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn. Do đó, để đảm bảo thành công, mỗi lần nộp đơn bạn cần tỉa tót và kiểm tra lại hồ sơ xin việc của mình.

 

Lo ra

Chẳng có sinh viên nào chưa từng nhìn đồng hồ mong tiết học mau kết thúc, thỉnh thoảng lại lơ đãng ngó quanh hay mất tập trung tạm thời. Điều đó có thể gây chút khó chịu cho giảng viên nhưng với người phỏng vấn, kết quả sẽ là đánh rớt.

Nếu ứng viên không dành cho nhà tuyển dụng 100% sự chú ý, họ rất dễ nhận ra qua ánh mắt và cử chỉ của bạn. Có thể bạn thiếu tập trung vì đang suy nghĩ câu trả lời dù người phỏng vấn chưa kết thúc câu chuyên; hoặc bạn thoáng lơ đãng nhìn ra phía cửa khi có vài người đi ngang. Làm như vậy, bạn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và rất dễ bị trừ điểm.

Một chuyên gia tư vấn cho biết, ông đã từng gặp trường hợp ứng viên mải lo trang điểm và nói chuyện điện thoại khiến người phỏng vấn phải chờ. Dù khoảng thời gian chờ đợi chỉ là ít phút ngắn ngủi nhưng ấn tượng cũng vì thế mà xấu đi.

 

Hoàng Vy Ân

TheoMSN