"Chỉ 17 % người lao động hài lòng với tiền lương"

(Dân trí) - “Trung bình thu nhập của người lao động là gần 5.530.000 đồng/tháng, tăng 1,4% so với năm 2017. Đa số thu nhập cơ bản chỉ đủ trang trải, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hơn 17 % người lao động không hài lòng với tiền lương, 65,7% tạm hài lòng và khoảng 17 % hài lòng”.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - phân tích trong đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Theo đó, Tổng LĐLĐ VN nhận định lương tối thiểu 2019 ít nhất phải tăng ở mức 8 % so với năm 2018, tương đương với 220.000 - 330.000 đồng trên 4 vùng lương.

Mức tăng trên mới nếu được thông qua sẽ đáp ứng 95,4 % mức sống tối thiểu.

Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) phân tích các lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Được biết, Phiên đàm phán đầu tiên về lương tối thiểu năm 2019, hôm 9/7 tại Hà Nội, chưa có kết quả cuối cùng. Các bên mới dừng ở mức trình bày quan điểm và đánh giá đề xuất của nhau.

Theo đại diện đàm phán của Tổng LĐLĐ VN tại Phiên họp trên, ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp, trợ cấp.

Một số hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ...

Những số liệu về tỉ lệ hài lòng, không hài lòng của người lao động về mức lương hiện tại, vừa được Tổng LĐLĐ VN khảo sát qua hơn 3.000 người lao động làm việc cho 150 doanh nghiệp trên 25 tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, ông Mai Đức Chính cho biết: "Đánh giá về tác động của Nghị định 141/2017/NĐ-CP về điều chỉnh lương tối thiểu 2018, Tổng LĐLĐ VN nhận thấy, 57,6% người lao động đánh giá mức điều chỉnh là trung bình, 39,0% người lao động cho biết mức điều chỉnh là thấp".

"Bên cạnh đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…" - ông Mai Đức Chính nói về những ưu đãi với doanh nghiệp.

Về thu nhập chung, đại diện đàm phán của Tổng LĐLĐ VN cho biết: Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) chiếm khoảng 15,0% tổng thu nhập của người lao động, tức là tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% thu nhập.

Tiền lương cơ bản trung bình hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được là 4.670.000 đồng, tăng 4,2% so với kết quả khảo sát năm 2017.

Bày tỏ quan điểm, ông Mai Đức Chính cho rằng việc tăng lương tối thiểu năm 2019 là đương nhiên vì có nhiều căn cứ cụ thể, như chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. “Dự báo năm 2018 tăng khoảng 4%. Năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng 5,9%, dự báo năm 2018 năng suất lao động xã hội tăng trên 5%”.

Cũng theo Tổng LĐLĐ VN, tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 516.900 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 6,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài ra, hơn 13.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2018 lên gần 65.600 doanh nghiệp.

“Các yếu tố trên là cơ sở quan trọng làm căn cứ để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2019, cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TW về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động” - ông Mai Đức Chính nói.


Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 của Tổng LĐLĐ VN.

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2019 của Tổng LĐLĐ VN.

Hoàng Mạnh