1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tổng LĐLĐ VN: Cả nước có 121 cuộc ngừng việc tập thể, giảm gần 50%

(Dân trí) - “Tình hình ngừng việc tập thể có xu hướng giảm. Thống kê sơ bộ, trong năm 2019, cả nước xảy ra 121 cuộc ngừng việc tập thể, giảm gần 50% số cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Ngừng việc tập thể giảm một phần do doanh nghiệp quan tâm chăm lo tốt hơn cho người lao động…”

Ông Lê Cao Thắng - Phó trưởng Ban, phụ trách Ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ VN) phát biểu Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân 2020. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN tổ chức sáng 7/1 tại Hà Nội.

Thu nhập tăng 17 %

Đánh giá về tình hình chung của năm 2019, ông Lê Cao Thắng cho rằng, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục có bước phát triển. Việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện.

Thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2018 do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, lưu ý 3 vấn đề lớn cần quan tâm từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý

Trong tình hình đó, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp đã từng bước phát huy vai trò đại diện người lao động trong đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước tập thể.

Công đoàn cơ sở đã chú trọng nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị và đề xuất của người lao động ngay trước và khi ngừng việc tập thể xảy ra, nhất là các vụ việc có diễn biến phức tạp kéo dài.

“Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao. Tình trạng doanh nghiệp đột ngột cắt giảm lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn vẫn diễn ra ở một số địa phương” - ông Lê Cao Thắng nhận xét.

  “Đã có 2.946 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca lên bằng hoặc cao hơn 15 nghìn đồng (đạt 162,1% chỉ tiêu năm 2019) với 649.600 người lao động được hưởng lợi” - ông Lê Cao Thắng cho biết.

Trong khi đó, cùng với quy trình giải quyết chế độ, chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp khi chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể vẫn còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc đối với người lao động

Tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Hoạt động vay nợ, vay nóng từ các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao qua trấn áp có xu hướng giảm nhưng lại xuất hiện những hình thức mới, tinh vi hơn.

Phản ánh của LĐLĐ nhiều địa phương cho thấy, hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy.

Không tăng tổng giờ làm thêm

Đánh giá về công tác tham gia xây dựng thể chế, ông Lê Cao Thắng cho biết: Trong sửa đổi Bộ luật Lao động, Tổng LĐLĐ VN kiên trì với các nội dung đề xuất, kịp thời điều chỉnh tiếp thu diễn biến mới để góp ý tối đa vào bộ luật.

Quan điểm nhất quán của tổ chức Công đoàn được đại bộ phận người lao động và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ là sửa đổi luật phải hướng tới đảm bảo sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, khẳng định sự tiến bộ, mang lại lợi ích tốt hơn cho người lao động.

Tổng LĐLĐ VN: Cả nước có 121 cuộc ngừng việc tập thể, giảm gần 50% - 1

“Bộ luật Lao động 2019 với nhiều nội dung, quy định mới liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động. Một số nội dung đề xuất của tổ chức Công đoàn đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu trong dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, góp phần bảo vệ tốt hơn, mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người lao động” - ông Lê Cao Thắng cho biết.

Điển hình như, không mở rộng quy định về khung giờ làm thêm tối đa trong năm; Tăng thêm một ngày nghỉ lễ vào trước hoặc sau ngày Quốc khánh, từng bước giảm số giờ làm việc chính thức (48 giờ/tuần) theo hướng giao Chính phủ đề xuất cụ thể căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, tổ chức Công đoàn đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn với quan điểm kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, vững chắc trong quá trình thi hành của pháp luật về công đoàn hiện hành.

Tổng LĐLĐ VN cũng chú trọng tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Luật Công đoàn có liên quan đến tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo tương thích với Bộ Luật Lao động 2019.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được chú trọng. Thống kê của Tổng LĐLĐ VN, năm 2019, cả nước 2.974 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới, tăng gấp 3 lần so với số thỏa ước ký mới trong cả năm 2018.

Việc công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, thí điểm thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với 2 bản thỏa ước được ký lại và 3 bản thỏa ước ký mới.

Năm 2019, Tổng LĐLĐ VN tiếp tục thực hiện chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn", các hoạt động chăm lo Tết được tiến hành chủ động, phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức công đoàn. Dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, các cấp Công đoàn đã chăm lo cho 4.605.280 lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo và tổng số tiền trên 3.024 tỷ đồng, tăng 49% số lượt người và 48,4% số tiền so với năm 2018.

Các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã thực hiện tư vấn cho hơn 84 nghìn lượt đoàn viên, người lao động; tham gia hỗ trợ bảo vệ người lao động tại tòa án 1.209 vụ (giảm hơn 600 vụ so với năm 2018). Việc cán bộ công đoàn nhận ủy quyền để đại diện người lao động khởi kiện doanh nghiệp đạt được một số kết quả tích cực, đáng ghi nhận. 

Hoàng Mạnh