1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Tới năm 2028 và 2035 mới có lao động đầu tiên nghỉ hưu theo lộ trình mới”

(Dân trí) - “Từ năm 2011, Việt Nam đã qua giai đoạn dân số vàng. Số lao động tham gia thị trường đã giảm từ khoảng 1.000.000 người/năm xuống khoảng 400.000 người/năm như hiện nay. Với lộ trình tăng tuổi hưu mới, phải tới năm 2028 mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu và năm 2035 đối với nữ…”

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Tổng LĐLĐ VN và Tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiều 11/9 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Từ 2021: Mỗi năm tăng vài tháng tuổi hưu

Với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ mối quan tâm về tầm quan trọng của việc cần thiết điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm này. 

“Bên cạnh những lý do như đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo cân đối quỹ BHXH, chống già hoá dân số…Việc tăng tuổi hưu còn bổ sung một nguồn nhân lực quan trọng cho thị trường lao động trong nước đang có nguy cơ giảm dần” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

“Tới năm 2028 và 2035 mới có lao động đầu tiên nghỉ hưu theo lộ trình mới” - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Dẫn chứng số liệu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH , Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Nếu như đầu những năm 2.000, thị trường lao động được bổ sung thêm khoảng 1.000.000 lao động. Nhưng trong 5 năm gần đây, con số trên đã sụt giảm ở mức 400.000 lao động/năm và có nguy cơ giảm tiếp”.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh tuổi hưu ngay khi dân số vừa qua ngưỡng đỉnh điểm dân số vàng là điều cần thiết, tránh trường hợp khi nguồn dân số đã vào giai đoạn già hoá mới tăng tuổi hưu.

Với lộ trình tăng tuổi hưu từ năm 2021 của dự thảo sửa đổi Luật Lao động, giai đoạn 2021-2028, trung bình mỗi năm chỉ có thêm khoảng 9.000 lao động chịu tác động về tuổi hưu mới.

“Từ năm 2021, mỗi năm chỉ tăng thêm vài tháng tuổi hưu. Đồng thời, con số 9.000 lao động/năm chịu tác động thêm từ lộ trình nghỉ hưu mới cũng không đáng kể so với khoảng 100.000 lao động nghỉ hưu mỗi năm như hiện nay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Lưu ý lao động đặc thù

Đánh giá về phương án tăng tuổi hưu của Ban soạn thảo, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) bày tỏ sự đồng tình với lộ trình tăng 3 tháng/năm của nam và 4 tháng/năm của nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028.

“Tới năm 2028 và 2035 mới có lao động đầu tiên nghỉ hưu theo lộ trình mới” - 2

Tuy nhiên trong một số công việc đặc thù, vị đại diện TKV cho rằng Ban soạn thảo cần lắng nghe thêm các ý kiến nhiều chiều.

“Người thợ lò phải làm việc trong hầm lò với điều kiện lao động chật hẹp, thiếu dưỡng khí, công việc thủ công và nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi ồn. Bên cạnh đó, nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp” - ông Lê Minh Chuẩn cho biết.

Chính vì đặc thù nghề nghiệp đã khiến tuổi đời và tuổi nghề bình quân của công nhân khai thác hầm lò thấp, không nhiều người làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu.

“Do đó, TKV đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của công nhân làm công việc khai thác than trong hầm lò đã được quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/2015/NĐ- CP của Chính phủ. Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Sẽ tiếp thu ý kiến về công việc đặc thù

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ phó, phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Ngành than hiện có 81 nghề thuộc Danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

Đồng thời, khoảng 77.000 lao động, tương đương với 80% lao động ngành than đang làm các công việc thuộc nhóm Danh mục công việc như trên.

“Chính từ thực tế đó, Bộ phận soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của ngành than và nghiên cứu việc bổ sung công việc khai thác hầm lò vào nhóm các công việc đặc thù hiện đang được quy định tại Điều 166 Luật Lao động 2012” - ông Nguyễn Văn Bình nói.

Cùng với đó, việc hoàn thiện Danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với những công việc cập nhật trong ngành than sẽ tác động lớn tới các vấn đề quan trọng của người lao động trong ngành, như: Tiền lương, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc…

Hoàng Mạnh