1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tổ chức xuất ngoại chui: Xử hình sự chẳng bao nhiêu!

Tại Nghệ An có hàng trăm ngàn người đã được đưa trái phép sang các nước Anh, Đức, Pháp… để làm việc nhưng những người tổ chức đưa người đi trái phép bị xét xử về các tội danh liên quan không nhiều.

Dư luận hiện vẫn bàng hoàng về câu chuyện 39 thi thể trong container ở nước Anh được nghi là người Việt Nam. Giải quyết tận gốc vấn đề là bài toán hóc búa không chỉ của các cơ quan quản lý.

Nhà nhà rủ nhau sang trời Âu

Trong số hơn 111.000 lao động quê Nghệ An, Hà Tĩnh đang làm việc ở nước ngoài thì Can Lộc (Hà Tĩnh) và Yên Thành (Nghệ An) là hai huyện có số người sang châu Âu làm việc khá đông. xã Thiên Lộc (Hà Tĩnh, nơi có nhiều căn nhà cao tầng như biệt thự) có khoảng 1.400 người đang làm việc ở nước ngoài. Điều mà nhiều người dân nơi đây quan tâm vào mỗi sớm thức dậy là giá USD và giá euro hôm nay là bao nhiêu.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), cho biết: “Đô Thành có 1.471 người đi lao động ở nước ngoài, trong đó chủ yếu ở châu Âu. Hiện có ba gia đình trình báo con của họ đi Anh bị mất liên lạc từ ngày 22 và 23-10”.

“Có những người rời quê hương sang châu Âu hàng chục năm nay rồi, mỗi tháng gửi euro hoặc USD về cho người thân. Rồi anh tìm “cầu” (kẻ môi giới) dẫn em sang, em tìm đường cho bà con, anh em mượn tiền “chạy” sang Đức, Anh. Họ đi không báo cáo với chính quyền, không hợp đồng lao động” - anh Tr.V.H. (ở xã Đô Thành) nói.

Những ngày qua, hai xã Thiên Lộc và Đô Thành có rất đông người dân trình báo con, em họ sang Anh bị mất liên lạc từ ngày 22 và 23-10. Trong đó có những chàng trai, cô gái vừa rời ghế THPT, không học lên đại học mà chọn con đường sang Anh mong sớm đổi đời và đang mất liên lạc.

Các gia đình có con đi Anh cho biết người lao động xin visa rời Việt Nam đi du lịch sang Trung Quốc, Nga hợp pháp…, sau đó không trở về mà sang nước thứ ba “nộp thân” cho đường dây đưa người sang châu Âu.

Khi người lao động đi đến Pháp, Đức, Anh (tùy theo nước cần đến mà tương ứng với giá tiền) điện thoại về nhà xác nhận “con đã đến” thì ngay lập tức đường dây đưa đi sẽ điện thoại cho người thân ở quê nhà và hẹn nơi giao tiền trực tiếp. Khi ở quê nhà trả đủ tiền, người lao động ở Anh mới được đường dây buôn người thả ra ngoài để kiếm việc làm.

Tổ chức xuất ngoại chui: Xử hình sự chẳng bao nhiêu! - 1
Tổ chức xuất ngoại chui: Xử hình sự chẳng bao nhiêu! - 2
Tổ chức xuất ngoại chui: Xử hình sự chẳng bao nhiêu! - 3

Nhiều gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh lo lắng vì người thân sang anh đang mất liên lạc. Ảnh: Đ.Lam

Phập phồng, phấp phỏng, cầu may…

Thường đường dây ở xứ Nghệ chọn địa điểm giao tiền là ở cầu trên Bến Thủy - nơi giáp ranh huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh (Nghệ An). Một số người từng đi Anh về kể có đường dây đưa người sang đến Đức, Anh thì có hẳn người đứng ra cho vay tiền để trả và viết giấy vay nợ, rồi cho điện thoại về nhà chuyển tiền trả gốc và lãi suất.

Chị V.Th.H. (ở xã Thiên Lộc) nói: “Tháng 6-2019, em trai tôi - V.Nh.D. (19 tuổi) được đường dây đưa sang Nga bằng con đường du lịch, rồi sang Đức sau khi trút bỏ hết giấy tờ. Khi sang đến Đức thì em trai điện thoại về nhà báo “con đã đến Đức”. ngay sau đó người trong đường dây hẹn ra cầu Bến Thủy trả 16.000 USD.

Chúng tôi đã đưa tiền ra cầu Bến Thủy, thấy họ ngồi trên ô tô con cầm tiền và chạy đi chứ không kiểm đếm tiền. Theo thỏa thuận, ngày 22-10, “cầu” sẽ đưa em trai chúng tôi sang Anh với gói VIP là 10.500 bảng Anh, khi nào sang đến Anh ở quê nhà mới chồng tiền. Bố mẹ chúng tôi đã thế chấp nhà vay ngân hàng và anh em 300 triệu đồng để trả tiền cho “cầu”. Nhưng trên đường đi, em trai tôi và bốn người trong xã Thiên Lộc hiện đang mất liên lạc, chúng tôi đang rất lo lắng”.

Anh LVH (quê xã Đô Thành, huyện Yên Thành) cùng gia đình vay mượn tiền sang châu Âu làm việc, mong sau này về có vốn để làm ăn. Người thân anh H. cho biết anh phải bay qua Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi đến Pháp, chi phí mất 22.000 USD. Sau đó anh nói gia đình chuẩn bị thêm 11.000 bảng Anh để được đưa qua Anh và hiện anh H. cũng đang mất liên lạc.

Trao đổi với PV, bố anh H. lo lắng: “Nó đi thông qua ai gia đình không nắm rõ nên giờ không biết ai để gọi điện thoại hỏi thông tin. Chỉ biết rằng khi đến được nước Anh, nó gọi điện thoại về, gia đình sẽ trao tiền cho môi giới”.

Mới khởi tố một vụ đưa người đi Anh

Sau khi xảy ra vụ việc 10 gia đình ở Hà Tĩnh trình báo con, em của họ đi Anh đang bị mất tích, ngày 30-10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2016 đến nay.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua tỉnh chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến việc đưa người đi Anh. Ở vụ án này, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố một bị can, tạm giữ một đối tượng và đang triệu tập nhiều người để làm rõ đường dây đưa người sang Anh.

Tại Nghệ An, nhiều gia đình trình báo có hơn 20 người quê Nghệ An bị mất liên lạc khi trên đường sang Anh vào ngày 22 và 23-10 và nay Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra. Trước đó, chị Vũ Thị Lý (trú huyện Yên Thành) được người phụ nữ tên Loan (người Nghệ An) đưa sang Pháp để lao động bằng con đường du lịch.

Cơ quan chức năng của Pháp đã phát hiện chị Lý dùng thị thực giả nên trục xuất chị Lý về Việt Nam. Khi chị Lý về, Cơ quan An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Nghệ An mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Từ đầu năm 2019 đến nay, TAND tỉnh Nghệ An xét xử hơn 10 vụ mua bán người nhưng chủ yếu là các vụ lừa đưa phụ nữ ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An sang Trung Quốc bán cho đàn ông mua về làm vợ hoặc bán vào các động mại dâm.

Mới xử một vụ đưa 48 người trốn đi nước ngoài

Trong khi dư luận cả nước đang quan tâm vụ việc đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp thì sáng 30-10, TAND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mở phiên tòa xét xử bị cáo Phan Đại Lợi (31 tuổi, trú xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Lợi từng có thời gian cư trú bất hợp pháp, làm ăn ở Đài Loan và bị trục xuất về nước. Theo hồ sơ, sau khi Lợi về quê nhà lại câu kết với Nguyễn Văn Quang (con cậu ruột đang lao động ở Đài Loan) để đưa bản thân Lợi và 48 người đi đường bộ qua Trung Quốc, rồi lên tàu biển để vào Đài Loan. Lợi và Quang thu mỗi người 6.500 USD, trong đó đặt cọc 500 USD, số còn lại sau khi sang Đài Loan thành công mới phải trả.

Lần đầu vào năm 2018, Lợi tổ chức cho 18 người Hà Tĩnh xuất cảnh trái phép sang Đài Loan. Lợi khai lần đầu Lợi được Quang cho một khoản tiền nhưng không nhớ là bao nhiêu, còn lần thứ hai được hưởng 8 triệu đồng.

Lần thứ hai Lợi tiếp tục tổ chức đưa thêm 30 người vào Đài Loan. Điều đau xót là ở lần đi thứ hai này có hai người tử vong do bị lật thuyền. Số 28 người còn lại đã bị Cục Tuần duyên bờ biển Viện hành chính Đài Loan phát hiện, bắt giữ và trục xuất về Việt Nam.

Kết thúc phiên tòa, Lợi chỉ bị tuyên phạt 60 tháng tù bởi bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng.

Phân biệt tội tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài và tội mua bán người

Về mặt khoa học pháp lý, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú của Nhà nước.

Người phạm tội có thể thực hiện một trong bốn hành vi: Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép; tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép; môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép; môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép.

Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài trái phép là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy mọi hoạt động nhằm đưa người khác trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nếu tổ chức người khác trốn đi nước ngoài để trục lợi (lấy tiền, vàng) và cùng họ trốn đi thì người có hành vi tổ chức bị truy cứu một tội nữa là tội xuất cảnh trái phép.

Tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép cũng có hành vi tương tự nhằm mục đích giữ người đã hết hạn ở nước ngoài không trở lại Việt Nam…

Với tội mua bán người (theo Điều 150 BLHS 2015), người phạm tội phải có những hành vi như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để chuyển giao, nhận tiền, tài sản… Việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện những hành vi nêu trên.

Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán, hoặc có thể vừa là người mua vừa là người bán. Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua thường gặp người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa gạt phụ nữ để đem ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bán cho người nước ngoài. Việc mua bán người xảy ra ở trong nước nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán và cuối cùng là đưa ra nước ngoài…

Ông ĐINH VĂN QUẾnguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

P.LOAN ghi 

Khó xử phạt lao động chui

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ở Hà Tĩnh có 1.300 lao động làm việc ở Hàn Quốc, hết hạn lao động về nước phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính vì đi xuất khẩu lao động chui. Tuy nhiên, đến thời điểm này sở vẫn chưa xử lý được.

Cả nước có 397 công ty xuất khẩu lao động với hàng ngàn chi nhánh, trung tâm đào tạo, văn phòng tiếp nhận mọc ra trên cả nước. Việc kiểm soát số lượng này khó khăn đối với cơ quan chức năng. Một trong những nguyên nhân là cơ chế phân cấp quản lý tại địa phương chưa cụ thể.

Ông Dũng nêu dẫn chứng: Cả Hà Tĩnh một năm xuất khẩu lao động 9.000 người nhưng doanh nghiệp có chức năng này trong tỉnh chỉ có một. Người lao động phải liên hệ với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Vì vậy, khi xử lý doanh nghiệp vi phạm, Hà Tĩnh phải hợp tác với Cục Lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ… trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, lập biên bản rồi xử lý, gây mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.

P.LOAN

Mua bán người diễn ra phức tạp

Tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tại Việt Nam, từ năm 2016 đến sáu tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện hơn 1.000 vụ với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc với 1.187 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân...

T.PHAN 

Theo Đắc Lam/PLO.VN