Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0…

(Dân trí) - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị hạn chế tăng lương tối thiểu 2019, doanh nghiệp dùng 2-3 bảng lương, nữ công nhân may không có thời gian tìm bạn, khó tinh giản cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về”, bất bình đẳng giới trong kỷ nguyên 4.0…là dòng thời sự LĐ-VL nổi bật tuần qua.

Lương tối thiểu 2019: Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị hạn chế tăng

Liên quan tới đàm phán tăng lương tối thiểu vùng 2019, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản vừa bày tỏ quan điểm với Bộ LĐ-TB&XH và nhiều cơ quan chức năng. Theo đó nên hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu nhằm phục vụ phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cấp nền móng công nghiệp…

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 1

Trong Công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, ông Koji Ito - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) - bày tỏ quan điểm không phản đối việc người lao động được hưởng cuộc sống đầy đủ và mức lương tối thiểu là yếu tố cần thiết đối với việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

“Việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước, đồng thời cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn hợp lý không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…” - trích quan điểm của đại diện JCCI...(xem thêm).

Doanh nghiệp dùng 2 bảng lương: Lương hưu của người lao động bị ảnh hưởng

“Tình trạng doanh nghiệp sử dụng 2 bảng lương diễn ra phổ biến, ảnh hưởng tới lương hưu sau này của người lao động. Đáng lý phải tính đủ mức tiền lương thực tế, doanh nghiệp chỉ dùng bảng lương để đóng BHXH gồm: Lương tối thiểu vùng cộng thêm từ 5-7 %”.

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 2

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - trả lời câu hỏi của PV Báo Dân trí về tình trạng doanh nghiệp dùng 2 bảng lương cùng một đối tượng người lao động.

Theo đó, tình trạng 2 bảng lương diễn ra nhiều năm nay và ở nhiều doanh nghiệp. “Ngay trong đợt khảo sát lương tối thiểu và đời sống công nhân do Tổng LĐLĐ VN thực hiện trong tháng 3-4/2018, chúng tôi vẫn phát hiện nhiều trường hợp trên” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Cũng theo vị Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, nhiều doanh nghiệp có 2 thậm chí 3 bảng lương. Một bảng lương dùng để làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội, một bảng lương dùng để làm việc với cơ quan thuế và một bảng lương dùng để trả lương thực tế với người lao động... (chi tiết).

Khó điểm mặt cán bộ “cắp ô đi, cắp ô về” thì khó tinh giản biên chế

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), người đứng đầu nhận thấy cán bộ năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nhưng khó điểm mặt, chỉ tên để tinh giản.

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 3

“Nếu không kiên quyết về mặt biên chế thì cũng chỉ là chuyển người này ở vị trí này sang vị trí kia, có thể giảm chỗ này nhưng lại phình ra chỗ khác, chưa đáp ứng được mong muốn từ nay đến 2021 phải giảm 10%. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải tuyển dụng mới để cán bộ trẻ, cán bộ được đào tạo bài bản được bổ sung vào bộ máy, không biết đến năm 2021 nếu giảm được 10% thì số lượng cán bộ tăng thêm sẽ là bao nhiêu, khi đó bộ máy có tinh gọn?” - ông Nguyễn Trọng Phúc nói....(xem thêm)

Nữ công nhân dệt may không có thời gian cho giao lưu, kết bạn

Nữ công nhân dệt may không có thời gian cho giao lưu, kết bạn là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch công đoàn (CĐ) Dệt May Việt Nam chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của cán bộ nữ công tiêu biểu trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ” do Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và CĐ Dệt May Việt Nam tổ chức vào sáng 19.7.

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 4

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, CĐ Dệt May hiện đang quản lý trên 100.000 cán bộ nhân viên lao động (CBNV-LĐ) trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ trên 80%. Dệt May là ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất. Nữ chiếm đa số, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ, đặc biệt là CN ngành may.

Nữ CN may phải ngồi một chỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng đến sức khỏe và không có nhiều thời gian dành cho việc giao lưu, kết bạn, hẹn hò, chăm sóc gia đình. Chị em ngành dệt lại phải đi ca và làm việc trong môi trường mà nhiệt độ và tiếng ồn rất cao, thu nhập thấp… Chính vì những lý do đó, lao động dệt may thường xuyên biến động, tuyển dụng lao động khó... (xem chi tiết)

Lao động nữ làm việc nhà nhiều hơn nam 80 ngày/năm

“Một ngày, nữ giới làm các công việc gia đình nhiều hơn nam giới 105 phút, như: Chăm sóc con, giặt giũ, nấu nướng…Tính theo năm, thời gian trên nữ giới dài hơn nam giới tới 80 ngày. Đây là con số đáng kể nếu quy ra các mức tiền lương khác nhau”.

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 5

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Diễn đàn về bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 18/7 tại Hà Nội.

Ngoài thành tựu về bình đẳng giới thời gian qua, ông Đào Quang Vinh chỉ ra những thực trạng đáng lo ngại tại VN: “Về tiền lương, nữ giới thấp hơn nam khoảng 12 % do có tay nghề thấp hơn nam giới. Tại các khu công nghiệp, phụ nữ di cư thiệt thòi vì thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc con cái”... (xem cụ thể)

Văn hóa công sở: Người Mỹ, người Nhật đều làm nhiều, nghỉ ít

Dù có rất nhiều khác biệt về văn hóa làm việc, giữa hai nước có một điểm chung đó là người Mỹ và người Nhật đều làm việc nhiều giờ và nghỉ ngơi tương đối ít hơn so với những quốc gia phát triển khác.

Tinh giản cán bộ kém, hạn chế tăng lương, bất bình đẳng giới trong 4.0… - 6

Nhật Bản khét tiếng là quốc gia có cường độ làm việc cao với nhiều giờ liên tục. Thậm chí ở đây còn có thuật ngữ để chỉ một hiện tượng rất phổ biến là "karoshi", nghĩa là chết vì làm việc quá sức.

Tuy nhiên dựa theo dữ liệu năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các nhân viên tại Mỹ có thời gian làm việc trung bình hàng năm còn cao hơn cả người Nhật.

Hơn thế nữa, một nhân viên người Mỹ trung bình chỉ dùng khoảng một nửa thời gian nghỉ phép được trả lương, dựa theo một báo cáo của website việc làm Glassdoor vào năm 2017. Và, hơn 60% những nhân viên sử dụng kỳ nghỉ ngắn ngủi này đều thường xuyên báo cáo công việc trong suốt thời gian họ không ở văn phòng...(cụ thể)

Hoàng Mạnh tổng hợp