1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tiểu thương kể chuyện công phu vượt rừng săn đào Tết

Đằng sau những cành đào rừng quý hiếm khoe sắc tại Hà Nội là câu chuyện vượt rừng băng núi hết sức vất vả của những người làm nghề săn đào Tết.

Chỉ chưa đầy một tháng nữa, cả nước sẽ hân hoan chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Những ngày gần đây, dọc khu chợ Quảng Bá , người đi đường dễ thấy những cành đào rừng đã được các tiểu thương bày bán thành hàng trên triền đê, mang đến không khí Tết nhất đậm nét hơn tại Hà Nội.

Đào rừng tại Hà Nội phần lớn là những cành đào được thu mua từ các vùng núi như Mộc Châu, Vân Hồ, Sơn La. Mỗi một cành đào rừng có giá từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào hình dáng và ngoại hình của cành đào Tết.

Tiểu thương kể chuyện công phu vượt rừng săn đào Tết - Ảnh 1.

Những cành đào rừng được bày bán như thế này thường được thu mua tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Anh Bá Thăng - tiểu thương bán đào rừng tại chợ hoa Quảng Bá cho biết: "Đào có thể thu mua từ người dân bản địa, ngày giáp Tết, họ sẽ mang đào đến cạnh quốc lộ để bán. Giá bán tại đây cũng phải 300.000 - 500.000 đồng/cành, nếu có cành đẹp thì giá còn cao hơn nữa. Ngoài việc thu mua đào từ người dân, chúng tôi cũng tự vượt rừng, vào tận trong bản sâu để tìm đào đẹp, những lúc đấy thì hết sức vất vả".

Anh Thăng kể lại, bản thân có kinh nghiệm 10 năm buôn đào thì có tận 8 năm vào tận bản sâu tại Sơn La để săn đào. Thông thường, trước Tết chừng 2 - 3 tháng, anh đã tìm đường đến các bản làng, ăn chung ở chung cùng người dân tại đây, bắt đầu công cuộc ngày ngày vượt đèo, dốc đá chỉ mong tìm được một cây đào như ý.

"Những cành đào đá đẹp, gần các bản làng đều đã được khai thác hết, chỉ còn cành non đang lên thôi. Muốn có được đào đẹp thì phải vào sâu trong núi. Có những hôm tôi và người dân đi chỉ đường phải ngủ lại giữa rừng vì không thể nào về kịp. Đáng nhớ nhất là có một cây đào nằm ở vách núi khá cheo leo, nhưng thế và dáng của cây thì rất đẹp. Vì cố tìm cách bứng cả rễ lẫn thân về mà tôi suýt ngã xuống núi. Rồi những tai nạn như trẹo chân, ngã xước xát da tay cũng nhiều không kể hết được. Làm nghề này vất vả thật, nhưng khi mang được đào về thì mừng lắm" - anh Thăng chia sẻ câu chuyện của mình.

Tiểu thương kể chuyện công phu vượt rừng săn đào Tết - Ảnh 2.

Những gốc đào cổ quý có giá rất cao, không chỉ bởi hình dáng độc đáo, già cỗi mà còn bởi người săn đào mât rất nhiều công sức để tìm và vận chuyển

Chị Nguyễn Hồng Nhung - một tiểu thương buôn đào rừng ngày Tết cũng chia sẻ, chị cũng từng có thời gian vào rừng sâu săn đào như cánh đàn ông. Những chuyến săn đào ấy để lại rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

"Lần ấy, có một người trong bản thông báo với tôi là thấy một cây đào rừng rất đẹp, nhưng nằm cách đó 1 ngọn núi, nếu muốn mang về thì phải ít nhất 2 - 3 người hỗ trợ khiêng về mới được. Nhưng lúc đó tôi chỉ có một mình, may mắn là có cặp vợ chồng người dân trong bản đồng ý đi cùng. Phải sau 3 ngày tìm kiếm, đào rễ, bọc nẹp cẩn thận thì cả đoàn mới trở về được".

Chị Nhung chia sẻ, con đường trở về bản hết sức cheo leo và trơn trượt, giữa đường còn có mưa lớn, sương lạnh rơi nhiều, nhiệt độ trên núi cao lại thấp nên ai nấy cũng vừa ướt vừa lạnh. Rất may là sau chuyến đi đó, cây đào được đưa về còn nguyên vẹn, phần rễ được bọc lót rất kỹ nên sau khi trồng lại và chăm sóc cẩn thận, cây đào phát triển rất tốt.

"Vì là đào rừng già, còn nguyên gốc rễ, lại mất nhiều công sức để đưa về thành phố chăm bẵm nên giá cây đào rất cao, phải đến hơn 100 triệu. Rất vui là cây đào đã được một người yêu hoa mua về và chăm sóc cẩn thận" - chị Nhung vui vẻ chia sẻ.

Theo Minh Đức/VTV.VN