1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thừa Thiên Huế hỗ trợ các nhóm đối tượng ảnh hưởng bị Covid-19 như thế nào

(Dân trí) - PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Chi trả trước 4 nhóm đối tượng đặc thù

Trên tinh thần của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính Phủ vừa ban hành, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng triển khai kế hoạch để có thể kịp thời hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế số lượng người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra nhiều. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì trong tháng 4 này sẽ tiến hành chi trả hỗ trợ cho những đối tượng đặc thù, trước tiên là 4 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng gồm: Người có công với cách mạng; Bảo trợ xã hội; Người cận nghèo và Người nghèo.

Thống kê Thừa Thiên Huế cho thấy, số lượng người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng là 15.627 người; bảo trợ xã hội là 56.359 người; hộ nghèo, cận nghèo là 85.577 khẩu.

Nếu căn cứ vào số lượng những đối tượng trên được hỗ trợ trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020) thì thì số tiền hỗ trợ khoảng 168 tỷ đồng (mỗi tháng khoảng 56 tỷ đồng). Liên quan đến việc hỗ trợ chi trả sẽ do 2 đơn vị là Sở Tài chính và Sở LĐ-TB&XH cùng phối hợp thực hiện để thống kê và trình Hội đồng phê duyệt.

Được biết Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm ứng 178 tỷ đồng để gửi cho các huyện, thị xã và thành phố Huế trên địa bàn tỉnh.

Liên quan đến 7 nhóm đối tượng, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết ước tính chi trả khoảng tổng 300 tỷ đồng/tháng, và với việc chi trả 3 tháng sẽ mất khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đối tượng ở nước ngoài (chủ yếu là nước Lào về địa phương lánh dịch Covid-19) với hơn 6.000 người cũng sẽ được xem xét để đưa vào diện hỗ trợ.

Thừa Thiên Huế hỗ trợ các nhóm đối tượng ảnh hưởng bị Covid-19 như thế nào - 1

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế  trao đổi về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đang chuẩn bị triển khai tại Huế

“Công dân Việt Nam ở nước ngoài về địa bàn tỉnh thì chúng tôi cũng sẽ tiến hành ra soát kỹ để xác định họ có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay không. Nếu bị ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ. Ngoài ra, với từng công việc mà họ đã làm khi ở nước ngoài, nếu thấy thích hợp thì có thể giới thiệu về các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo việc làm cho họ” - ông Phúc cho biết.

Nhiều khó khăn trước mắt

Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ lao động - thương binh và xã hội thì Sở LĐ,TB,XH tỉnh này sẽ thực hiện ngay việc chi trả hỗ trợ. Địa điểm nhận tiền sẽ là UBND các phường, xã.

Ngoài 4 nhóm đối tượng nêu trên, với đặc trưng là vùng đất kinh đô nhiều nét cổ kính thu hút nhiều khách du lịch tham gia nên còn những đối tượng không có hợp đồng là lao động tự do như xích lô, xe thồ, cắt tóc, nhà hàng, nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng… cũng được nhận hỗ trợ chi trả dựa trên thống kê của các địa phương báo cáo lên được.

“Số lượng này sẽ phải được rà soát kỹ vì phức tạp. Nếu làm không kỹ sẽ dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu nại khi người này có mà người kia không có. Sở chúng tôi đã gửi văn bản hướng dẫn tạm thời về phường xã, trong tuần này cán bộ sở sẽ về tại các xã, phường để kiểm tra, đôn đốc việc rà soát nhóm lao động tự do để kết luận có hay không đối tượng đó là lao động tự do và bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh” - ông Phúc cho biết thêm.

Qua chia sẻ của ông Đặng Hữu Phúc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong quá trình thực hiện chính sách chi trả hỗ trợ thì Sở cũng gặp không ít khó khăn, đầu tiên là chưa có văn bản chính thức mà chỉ dựa trên tinh thần sáng tạo, văn bản dự thảo rồi hướng dẫn lại ở các địa phương.

Sở cũng đã thành lập Ban chỉ đạo bao gồm các Tổ giúp việc tham mưu cho Sở các công việc cần thiết, đứng đầu tổ là Phó Giám đốc Sở, các tổ viên là các phòng, ban cùng nhau phối hợp thực hiện. Ngoài giờ hành chính thì các Tổ còn làm thêm tăng cường cả thứ 7 và Chủ nhật để phục vụ tốt nhất việc hỗ trợ.

Thừa Thiên Huế hỗ trợ các nhóm đối tượng ảnh hưởng bị Covid-19 như thế nào - 2

Nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Huế

Riêng về vấn đề vài chục doanh nghiệp tại Huế khó khăn thực sự do ảnh hưởng dịch Covid-19 đang tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội cho lao động thì sẽ được Sở tạo điều kiện giãn đóng Bảo hiểm xã hội về thời gian nhưng người lao động vẫn được hưởng các chế độ khi doanh nghiệp giãn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội.

Ông Phúc trao đổi, đây là lần đầu tiên một chính sách lớn về dân sinh giúp người dân của Nhà nước có ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại Dương - Hoàng Hải