1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thừa Thiên Huế: Cán bộ quản lý rừng nghỉ việc để ...chạy xe Grab kiếm sống

(Dân trí) - Từ năm 2018 trở lại đây, nhiều cán bộ làm việc ở các Ban Quản lý rừng phòng hộ thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã xin nghỉ việc bởi áp lực công việc lớn và đồng lương thấp, trong đó có cả người chuyển sang chạy Grab để ...kiếm sống.

Từ năm 2018 tới nay, trong 6 Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRH) và 3 Công ty Lâm nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tới 21 cán bộ xin nghỉ việc.

Cụ thể ở BQLRPH Hương Thủy có 8 người xin nghỉ việc, BQLRH A Lưới 6 người, BQLRH Sông Bồ và BQLRH Bắc Hải Vân cùng 2 người, Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa 3 người.

Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc BQLRH Hương Thủy, đơn vị có số lượng cán bộ nghỉ việc nhiều nhất, chia sẻ, “Ban chúng tôi phụ trách hơn 20.293 hecta rừng nằm dọc 2 tuyến Hữu Trạch và Tả Trạch sông Hương. Với quân số 52 cán bộ, trong đó lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 26 người nhưng chia ra phụ trách 4 chốt là một áp lực cho đơn vị".

Thừa Thiên Huế: Cán bộ quản lý rừng nghỉ việc để ...chạy xe Grab kiếm sống - 1

Ông Hoàng Phước Toàn, Giám đốc BQLRH Hương Thủy tâm sự về tình trạng cán bộ nghỉ việc nhiều do áp lực công việc nhưng lương thấp

Cũng theo ông Hoàng Phước Toàn, cán bộ bảo vệ rừng hiện phải ở lại trong rừng 24/24. Mọi ăn uống sinh hoạt đi tuần tra đều diễn ra trong rừng. Một nhóm 2-3 người lên chốt bảo vệ phải ở lại trong rừng sâu từ một tuần đến 10 ngày rồi về xuôi nghỉ được chừng 1 ngày là phải thay phiên đi làm tiếp cho nhóm khác.

"Trong khi đó lương theo hệ số Đại học được 2,34 chừng hơn 2 triệu rưỡi, dù được phụ cấp xăng xe và tiền ăn nhưng coi như đồng lương không dư dả được gì, nên đã có nhiều cán bộ xin nghỉ việc” - ông Hoàng Phước Toàn cho biết.

Qua tìm hiểu cho thấy, cán bộ ở BQLRH của ông Toàn cán bộ đều tốt nghiệp ĐH Nông lâm ngành Lâm nghiệp hay Quản lý Đất đai chính quy.

Thừa Thiên Huế: Cán bộ quản lý rừng nghỉ việc để ...chạy xe Grab kiếm sống - 2

26 cán bộ phụ trách cho 4 điểm rừng, ở lại trong rừng sâu, về xuôi chỉ nghỉ được 1 ngày rồi lại tiếp tục... vào rừng bảo vệ, nhiều cán bộ BQLRPH đã nản lòng trước công việc

Học hành vất vả là thế, khi được vào làm việc ở Ban là một điều vui mừng và hạnh phúc khi có công việc ổn định. Thế nhưng do lương quá thấp, ít phụ cấp và phải đi rừng biền biệt tuần này qua tuần nọ đã khiến nhiều cán bộ nản lòng.

Đơn cử có anh T.N.T. (29 tuổi), sau công tác 4 năm đã viết đơn xin nghỉ việc và chạy Grab Bike kiếm sống ở Huế. Rồi anh N.Đ.H. (40 tuổi), từng là Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng làm gần 10 năm.

Tuy nhiên khi lập gia đình có 2 con nhỏ, vợ làm công nhân ở khu công nghiệp, do nhiệm vụ phải đi vào rừng từ 8-10 ngày, được về nhà nghỉ 1 ngày rồi đi vào rừng lại.

Thừa Thiên Huế: Cán bộ quản lý rừng nghỉ việc để ...chạy xe Grab kiếm sống - 3

Tình trạng phá rừng và đào vàng trong vùng lõi Vườn quốc gia Bạch Mã ở xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2013 được PV ghi nhận

Điều kiện không thể liên lạc nói chuyện với gia đình, mỗi tháng chỉ đưa được về cho nhà 1 triệu đồng sau khi trừ ra các khoản chi tiêu sinh hoạt ít ỏi cho bản thân, chịu không nổi áp lực nên anh H. cũng vừa mới xin nghỉ việc trong năm 2019.

Áp lực là thế nhưng nếu xảy ra chuyện “mờ ám”, “cấu kết” với lâm tặc hay người dân đi rừng thì sẽ lập tức phải buộc thôi việc.

Năm 2018, ông Toàn nhìn thấy cán bộ mình đang ngồi uống bia với một người dân đi rừng. Lập tức Giám đốc này cho cán bộ kia nghỉ việc vì không đúng với tác phong, đạo đức của cán bộ bảo vệ rừng và để làm gương cho những người khác không được vì đồng tiền mà làm mờ mắt, mà phá hoại rừng xanh của quốc gia.

Thừa Thiên Huế: Cán bộ quản lý rừng nghỉ việc để ...chạy xe Grab kiếm sống - 4

Tình trạng phá rừng đang diễn ra ngày càng nhiều là một áp lực không hề nhỏ cho cán bộ BQLRPH

Trước tình trạng cán bộ nghỉ việc ngày càng nhiều, ông Toàn đề nghị, do chế độ lương bổng chưa tương xứng với công tác bảo vệ rừng mà cán bộ ở các BQLRH đang đảm trách, nên UBND tỉnh làm sao có giải pháp để tăng lương, thêm các khoản phụ cấp cho cán bộ vì hiện tại trong thời kỳ “nóng” về chuyện chặt phá rừng thì công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều áp lực.

Một cán bộ lãnh đạo trong ngành nông lâm nghiệp chia sẻ với PV, cần thiết các cấp từ địa phương lên trung ương phải quan tâm đến đời sống và lương của anh em ở các BQLRH.

Bởi theo thời gian nếu không có người giữ rừng, hay người giữ rừng không đầy đủ về đời sống thì “rừng vàng” sẽ đứng trước nguy cơ “chảy máu” nhiều hơn nữa.

Đại Dương