Thủ tục nhận trợ cấp thai sản sau khi nghỉ việc

Vợ của ông Vũ Văn Sơn (Bắc Giang) nghỉ làm được 3 tháng. Ông Sơn hỏi, để giải quyết chế độ thai sản cho vợ thì ông cần chuẩn bị giấy tờ gì, đến cơ quan nào và ông có được nhận tiền thai sản thay vợ không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Do ông chưa nêu rõ vợ của ông còn đang tham gia BHXH hay đã nghỉ việc, ngừng đóng BHXH, thời gian vợ của ông đã đóng BHXH trước khi sinh con nên cơ quan BHXH chưa có cơ sở để trả lời cụ thể.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu vợ của ông đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì việc giải quyết chế độ thai sản của vợ ông như sau:

Nếu vợ ông đã thôi việc, ngừng tham gia, đóng BHXH trước thời điểm sinh con thì nộp bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật BHXH 2014, kèm theo sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi vợ ông cư trú để được thanh toán chế độ thai sản.

Nếu vợ ông còn đang tham gia, đóng BHXH thì nộp hồ sơ theo quy định tại Khoản 1, Điều 101 Luật BHXH 2014, kèm theo số tài khoản (nếu có) cho đơn vị nơi vợ ông đang làm việc để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH thanh toán chế độ thai sản.

Trường hợp vợ của ông không có tài khoản cá nhân hoặc không đến nhận tiền mặt được thì phải có Giấy ủy quyền (Mẫu số 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của BHXH Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn