1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phản bác về việc bỏ chỉ tiêu lao động qua đào tạo

(Dân trí) - Liên quan tới đề xuất bỏ chỉ tiêu lao động qua đào tạo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp bày tỏ quan điểm phản bác và cho rằng cần dùng, bởi đó là hướng dẫn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). “Nên chăng, chỉ cần sửa tên gọi cho phù hợp” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.


Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (Ảnh: H.M)

Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (Ảnh: H.M)

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê đã quy định người lao động qua đào tạo thành 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định. (gọi tắt là nhóm lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và có chứng chỉ/bằng cấp).

Nhóm này gồm: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học).

Số liệu lao động qua đào tạo lấy từ dữ liệu 21 triệu hộ gia đình

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, để tổng hợp tính toán chỉ tiêu lao động qua đào tạo, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật triển khai từ năm 2010.

Cơ sở dữ liệu cung lao động, gồm: Thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình.

Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%.

Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình.

Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là lao động qua đào tạo).

Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, nhóm thứ nhất được xây dựng dựa vào cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động, trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).

Nhóm thứ hai được hình thành theo đúng hướng dẫn trong Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp - ISCO-08 cũng của ILO.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Vì vậy có thể khẳng định rằng các chỉ tiêu tính toán của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Liên quan tới một số ý kiến cho rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo đã hết vai trò lịch sử và nên không dùng từ năm 2022, thay vào đó chỉ nên dùng chỉ tiêu lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên và được cấp chứng chỉ/bằng cấp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói rõ thêm: “…Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, khi được hỏi về các tranh luận xung quanh các chỉ tiêu trên cũng đã đưa ra lời khuyên: Việt Nam với tư cách là một thành viên của ILO, nên tuân thủ những hướng dẫn của ILO”.

Theo đó, hướng dẫn của ILO là sử dụng cả 2 chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng nên bình tĩnh khi thấy có những bình luận xung quanh việc đề xuất phải kết liễu chỉ tiêu này hoặc chỉ dùng chỉ tiêu nọ.

"Quan điểm của cá nhân tôi, phù hợp với hướng dẫn của ILO là phải sử dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu. Tất nhiên có thể chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Hai chỉ tiêu về đào tạo được sử dụng nhiều trong các Luật, Nghị Quyết, Nghị định…

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, 2 chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ đã được đề cập trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng

Cụ thể: Luật thống kê năm 2015 ban hành kèm theo 186 chỉ tiêu quốc gia, trong đó có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đã qua đào tạo” (mã số 0203). Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) đưa ra mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%”.

Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đã đưa ra 12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, trong đó chỉ tiêu số 8 là “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%”.

Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 ban hành theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011, Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2011- 2020 ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012, và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020 ban hành theo Quyết định số 630 ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo.

Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo” do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp…

Hoàng Mạnh tổng hợp