1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Thủ phủ" mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết

(Dân trí) - Gần Tết Nguyên đán, người dân ở các xã Thạch Bình, Thành Kim và Thạch Sơn (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tất bật với công việc thu hoạch mía về làm mật. Từ những mô hình tự tạo việc làm thông qua lò nấu mật mía, nhiều lao đông địa phương có thêm thu nhập, không phải đi xa tìm việc làm...

Có mặt tại “thủ phủ” mật mía xã Thành Kim, xã Thạch Sơn (huyện Thạch Thành) những ngày này, một không khí nhộn nhịp sản xuất bao trùm các lò mía phản ánh nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán gia tăng.

Tất bật bên lò nấu mật, anh Đỗ Văn Thức (xã Thành Kim, huyện Thạch Thành), người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề, cho biết: "Công đoạn nấu mật là công đoạn quan trọng nhất, quyết định thành bại của một mẻ mật mía. Khi nấu mật mía, người nấu phải giữ lửa trong lò luôn ổn định, không quá to, không quá nhỏ".

Việc làm từ các lò nấu mía thủ công đã giúp nhiều lao động địa phương có công việc, thu nhập ổn định. Hiện đang vào vụ, nhiều chủ lò lại cần thêm nhiều lao động.

Để có những mẻ mật dịp cận Tết, mỗi một lò nấu mật mía cần ít nhất từ 8 đến 10 lao động. Ngoài những thành viên trong gia đình, các chủ lò mật phải thuê thêm 5 - 6 nhân công để thực hiện các công đoạn: Ép nước, hớt váng bọt, nấu mật...Bên cạnh đó, nhiều công việc phụ giúp quy trình nấu mật cũng cần tới nhiều nhân công. Đây cũng là một mô hình tự tạo việc làm tại chỗ, thu hút lao động địa phương.

Tính trung bình, các lò nấu mật mía của các xã Thạch Bình, Thành Kim và Thạch Sơn cũng tạo ra nguồn việc làm tới cả trăm lao động địa phương dịp cuối năm.

Anh Kim Tuấn, một lao động thời vụ tại lò mía tại xã Thạch Bình cho biết, những ngày cận Tết, việc nông nhàn và cũng không còn thời gian ra thành phố kiếm thêm việc. "Do đó, tôi đã tìm việc làm thêm ở lò mật mía. Việc nhiều, chủ lò còn nhờ tôi tìm thêm một số lao động để kịp lịch xuất hàng".

Cùng chia sẻ công việc của người làm nghề nấu mật mía, bà Đỗ Thị Thu - một hộ gia đình nấu mật mía ở thôn 5 Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, nói: "Ngày xưa mỗi khi làm, xong chúng tôi phải vận chuyển đi tiêu thụ nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều người biết đến thương hiệu mật Thạch Thành nên thương lái đến tận nơi đặt hàng. Họ đặt trước cả tháng sau đó cho xe ô tô về chở đi".

Bà Đỗ Thị Thu cho biết thêm thêm, năm nay hầu hết các nhà lò trong làng đều nấu nhiều hơn năm ngoái, gia đình nấu được bao nhiêu khách hàng lấy hết bấy nhiêu.

Về thu nhập, người lao động làm việc dịp cận Tết cũng có mức lương không thấp. "Tháng cận Tết, gia đình tôi phải thuê thêm 4-5 nhân công với tiền lương 200.000 đồng/ngày làm hết công suất, có khi làm cả ngày cả đêm để kịp cho các đơn hàng" - bà Đỗ Thị Thu nói.

Mỗi vụ trừ chi phí, các chủ lò mật thu lãi khoảng 30 đến 40 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống người dân làng mật mía ở Thạch Thành đang ngày một khấm khá và đổi thay từng ngày.

Được biết, mật mía là món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam. Trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt Nam thường dùng mật mía để chấm bánh chưng, nấu chè, nấu bánh trôi, bánh gai… Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có nghề truyền thống sản xuất mật mía nổi tiếng nhất nước.

Đất xứ Thanh nói chung và đất của làng Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy và huyện Thạch Thành nói riêng đã sinh ra những cây mía với thân chắc, mềm và ngọt lịm, bởi được trồng trên đất đỏ Bazan.

Chính nguồn nguyên liệu đảm bảo này đã tạo ra một hương vị rất riêng cho mật mía Thạch Thành và Cẩm Thủy. Bao năm qua, sản phẩm mật của hai địa phương này đã chiếm lĩnh được thị hiếu của người tiêu dùng gần xa bởi những nét đặc trưng của mình.

Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 1
Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 2

Công đoạn đầu tiên của việc làm mật là mang mía đi ép.

Theo những cụ cao niên trong xã, nghề làm mật mía đã hình thành có từ những năm 60 của thế kỷ trước tại nơi đây. Thông thường, mùa nấu mật mía bắt đầu vào đầu tháng 11 âm lịch cho đến đầu tháng 1 năm sau. Để sản xuất mật mía, nguyên liệu duy nhất là mía. Khi mía đã chín, đã đủ độ đường được chặt bỏ ngọn và gốc, sau đó đưa về các lò ép mật.

Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 3

Khi nấu, bọt mía nổi lên phải được liên tục vớt để tránh mật bị đen.

Công việc ép mía trước đây sử dụng sức của trâu bò (còn gọi là quay trâu), năng suất không cao. Khoảng chục năm trở lại đây, nhờ công nghệ phát triển, những người làm mật mía giờ đây đã biết dùng máy ép, vừa năng suất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nước mía thu được sẽ được lọc qua vài lần sau đó được mang đi nấu mật.

Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 4
Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 5

Để có được sản phẩm mật mía thơm ngon, màu đẹp, người nấu mật phải thật sự có kinh nghiệm.

Theo các chủ hộ nấu mật mía, người thợ phải chịu khó bỏ công sức và thời gian để sản xuất ra những mẻ mật đạt vệ sinh, chất lượng, vì quy trình sản xuất ra mật mía cũng qua nhiều công đoạn. Từ ép mía, nấu mật, lắng cặn... phải mất 5-6 tiếng đồng hồ mới có thể cho ra một mẻ mật.

Sản phẩm được để nguội sau đó rót vào thùng chứa hoặc các túi nilon trắng, sạch để dễ dàng cho công đoạn vận chuyển đi các nơi. Tùy theo kinh nghiệm và tay nghề của từng gia đình, mật mía sản xuất sẽ có chất lượng khác nhau.

Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu xong được giữ lại chế biến thành đường hoa mơ, kẹo, bánh mời khách ngày Tết. Còn sản phẩm phụ từ cây mía như: lá, đọt và bã mía ép được tận dụng làm nguyên liệu đun nấu mật hoặc làm nguồn thức ăn cho trâu bò trong những ngày đông giá rét.

Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 6

Thứ mật mía truyền thống ở Thạch Thành có mùi vị đặc trưng không lẫn với mật ở nơi khác.

Thủ phủ mật mía xứ Thanh tất bật ngày cận Tết - 7

Mật được đóng vào từng can để các thương lái mang xe đến chở đi.

Vất vả, khó nhọc là vậy nhưng với lòng say mê, gắn bó với nghề nên từ xưa đến nay người dân nơi đây vẫn coi đây là một công việc quen thuộc, vừa phục vụ các món ăn trong ngày Tết vừa đem lại cho gia đình một khoản thu nhập khá để trang trải và đón tết sung túc, đầy đủ hơn.

Bình Minh