1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đóng bảo hiểm xã hội có thể giảm xuống còn 10 hoặc 15 năm

(Dân trí) - “Thay vì quy định 20 năm hiện hành, người lao động có thể đóng BHXH 10 năm hoặc 15 năm. Đồng thời, mức hưởng từ thời gian đóng mới sẽ thay đổi tương xứng” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói về việc điều chỉnh chính sách BHXH sau Hội nghị T.Ư 7, khoá XII.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về những nội dung mới của Đề án cải cách BHXH

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án cải cách BHXH trình Hội nghị T.Ư 7, khoá XII vừa qua có hơn 10 điểm mới về thay đổi chính sách BHXH so với hiện nay.

Rút ngắn thời gian đóng BHXH

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Những điều chỉnh này có tính quyết định nhằm giúp hệ thống bảo hiểm xã hội vận hành mạnh mẽ, hoạt động có tính hiệu quả hơn. Thay đổi từ đơn tầng sang đa tầng và đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng và chia sẻ…”

Về thực trạng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cả nước có hơn 13 triệu người. Trong khi đó, số người tham gia BHYT đã trên 80 triệu người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Chúng ta đã có những bài học thành công từ phát triển chính sách BHYT. Đây sẽ là những điều được nghiên cứu và áp dụng nhằm thu hút người dân trong quá trình lao động sản xuất tham gia BHXH thời gian tới”.

Theo đó, Nhà nước sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, nhất là thu ngân sách để hướng mạnh và khuyến khích người dân tham gia vào lĩnh vực BHXH.

Về điều chỉnh thời gian đóng BHXH nhằm làm tăng đối tượng tham gia, Bộ trưởng cho biết: “Chúng ta đang quy định thời gian “cứng” là 20 năm đóng BHXH mới được nghỉ hưu. Nhiều trường hợp, người lao động đã tham gia 10 năm, 15 năm nhưng không có khả năng tham gia nữa và phải rút BHXH một lần hoặc không tiếp tục tham gia nữa”.

Để hạn chế những bất cập này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tới đây, Đề án cải cách BHXH sẽ nghiên cứu theo hướng linh hoạt hơn.

“Thời gian tới, chính sách sẽ được xây dựng theo hướng người lao động có thể chỉ cần đóng BHXH 10 năm hoặc 15 năm. Khi chúng ta điều chỉnh thời gian đóng BHXH, mức hưởng cũng sẽ thay đổi sao cho tương xứng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tính toán lại chế độ BHXH một lần

Đề án cũng sẽ chủ trọng tăng cường tính chia sẻ giữa các loại BHXH và đối tượng đóng BHXH. Đơn cử như lao động nam và lao động nữ, giữa các loại bảo hiểm ngắn hạn như: Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp…Hiện nay, các loại hình này đang có sự độc lập tương đối

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng cần nghiên cứu chính sách để giảm số người và tỉ lệ hưởng BHXH một lần.

“Với chính sách BHXH hiện nay, người lao động đóng 8 % mức tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng 17 %. Nhưng khi người lao động rút ra khỏi hệ thống BHXH và hưởng chế độ BHXH một lần thì sẽ hưởng phần của mình đã đóng và cả phần đóng góp của người sử dụng lao động” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

“Ngoài ra, chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trung bình theo hướng phù hợp và hiệu quả trong việc bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực, nhằm tránh xu hướng già hoá và đáp ứng nguyên tắc bình đẳng giới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Do đó có tình trạng, người lao động hưởng rời khỏi hệ thống BHXH bằng cách nhận BHXH một lần. Nhưng sau đó một thời gian, người lao động này lại tiếp tục tham gia hệ thống BHXH bằng việc đóng BHXH ở một nơi khác và lặp lại việc nhận BHXH một lần như trên.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước có nền kinh tế phát triển đã tính toán, thiết kế hệ thống BXHH để tạo ra bất hợp lý như trên. Thông thường, các nước thiết kế người lao động đóng ở mức nào thì hưởng ở mức đó.

“Hiện nay, để đảm bảo công bằng chúng ta cần nghiên cứu xây dựng chính sách theo hướng người lao động chỉ được hưởng phần đóng của mình. Phần đã đóng của người sử dụng lao động sẽ dành để chia sẻ cho các đối tượng khác” - Bộ trưởng cho biết.

Liên quan tới lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cần xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập với lộ trình điều chỉnh lương của những người đang đi làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh lương hưu tới 15 lần. Nhưng những lần này đều gắn với điều chỉnh của những người đang đi làm. Điều này tạo sự chưa phù hợp.

“Đây là 2 vấn đề cần tách biệt trong thời gian tới. Theo đó, lương hưu được thực hiện từ nguồn của quỹ BHXH, còn lương hưu của người lao động do các tổ chức người lao động và Nhà nước chi trả” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ thụ động sang chủ động.

Bộ trưởng giải thích: “Từ trước tới nay, chính sách này mới chủ yếu chi trả cho người thất nghiệp nhưng chưa chú ý tới việc hỗ trợ có tính thực chất, hiệu quả tới các doanh nghiệp, hỗ trợ cho người lao động tìm việc làm, hỗ trợ đào tạo cho người lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc quay trở lại thị trường lao động...”.

Hoàng Mạnh