1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi:

Thiếu trầm trọng lao động đi biển dù ứng trước ...cả trăm triệu đồng

(Dân trí) - Sau một thời gian nằm bờ, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi buộc phải ra khơi trong tình trạng thiếu lao động lành nghề. Dù trước đó có chủ tàu đã "đặt cọc" gần 200 triệu đồng cho lao đông đi biển nhưng luôn trong tình trạng "thiếu vẫn hoàn thiếu".

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi có trên 5.700 tàu cá, trong đó có 3.592 tàu đánh bắt xa bờ. Trung bình mỗi tàu đánh bắt xa bờ cần tối thiểu 10 lao động, tàu gần bờ khoảng 5 lao động. Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có 38.000 lao động đi biển đã dẫn đến câu chuyện thừa tàu, thiếu lao động.

Ông Võ Văn Nam (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là chủ của 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Ông Nam đóng mới tàu cá để hành nghề lặn ở ngư trường Hoàng Sa. Thế nhưng hiện 3 tàu cá của ông phải chuyển sang hành nghề câu vì thiếu lao động.

"Nghề lặn cần nhiều lao động có sức khỏe và kỹ năng tốt nhưng tìm không đủ người nên phải chuyển sang nghề câu. Chuyển sang nghề câu cũng không đủ lao động, mỗi tàu thiếu từ 4 - 5 người. Dù thiếu lao động nhưng chúng tôi vẫn phải ra khơi vì đang là mùa đánh bắt cao điểm" - ông Võ Văn Nam băn khoăn.

Nhiều tàu cá Quảng Ngãi phải chấp nhận ra khơi trong tình trạng thiếu lao động
Nhiều tàu cá Quảng Ngãi phải chấp nhận ra khơi trong tình trạng thiếu lao động

Theo ông Nam, về lý thuyết, tàu có ít người đi biển thì tiền công chia cho từng lao động sẽ cao hơn tàu có nhiều người. Tuy nhiên công việc khai thác hải sản xa bờ hoàn toàn ngược lại. Chỉ cần thiếu vài lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đánh bắt khiến năng suất sụt giảm mạnh.

"Năng suất giảm nên thu nhập của anh em đi bạn cũng giảm. Nhưng chủ tàu mới là người thiệt hại nhiều nhất. Mỗi chuyến biển tốn chi phí cao mà năng suất thấp nên thu nhập không bao nhiêu" - ông Võ Văn Nam chia sẻ.


Trung bình mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ cần ít nhất 10 lao động, tuy nhiên nhiều tàu cá chỉ tìm được khoảng 60% số lao động cần thiết

Trung bình mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ cần ít nhất 10 lao động, tuy nhiên nhiều tàu cá chỉ tìm được khoảng 60% số lao động cần thiết

Tình trạng khan hiếm lao động đi biển còn dẫn đến việc chủ tàu dân mất tiền oan khi buộc phải ứng tiền để giữ chân lao động. Ngư dân kiêm chủ tàu Võ Văn Lựu ở thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn) là một trong số đó.

Đầu năm 2018, ông Võ Văn Lựu đóng thêm chiếc tàu công suất lớn hành nghề lặn xa bờ. Do biết trước thời điểm tháng 2, tháng 3 âm lịch sẽ khan hiếm lao động, ông Lựu đã tự lo tìm người đi bạn từ rất sớm.

Vì lao động địa phương không còn nên ông Lựu được người quen giới thiệu 10 lao động của tỉnh Bình Định, Khánh Hòa. Để nhận được cái gật đầu của 10 ngư dân này, ông Lựu phải ứng trước cho họ số tiền 180 triệu đồng. Thế nhưng đến ngày tàu sắp ra biển, ông Lựu liên lạc lại với những ngư dân đã ứng tiền thì cả 10 người đều "lặn'' mất.

"Tiền mất rồi còn bị lỡ chuyến biển thiệt hại nặng lắm nhưng chẳng biết phải làm sao. Sau đó tôi phải tìm đủ mọi cách để kiếm thêm mấy ngư dân nữa cùng người trong gia đình ra khơi. Thiếu lao động thì năng suất đánh bắt thấp lắm nhưng không thể cho tàu nằm bờ mãi được" - ông Võ Văn Lựu than thở.

Số lượng và công suất tàu cá ngày càng tăng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động đi biển
Số lượng và công suất tàu cá ngày càng tăng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động đi biển

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu - cho biết: xã Bình Châu có đội tàu cá trên 400 chiếc, hơn phân nửa số đó là tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân xã Bình Châu có đến 2, thậm chí là 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ, vì vậy việc tìm lao động trong thời gian cao điểm là vấn đề nan giải.

"Khoảng 3 năm trở lại đây số lượng và công suất tàu cá phát triển quá nhanh. Điều này dẫn đến sự khan hiếm lao động đi biển. Hiện đang là thời điểm đánh bắt cao điểm trong năm, lao động đi biển càng khan hiếm hơn. Việc thiếu lao động dẫn đến năng suất đánh bắt thấp khiến thu nhập của ngư dân và chủ tàu giảm theo" - ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Quốc Triều