1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thiếu giáo viên trình độ cao: Nguy cơ lớn cho phát triển nhân lực

Các trường học đang thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ, chuyên môn cao có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Đào tạo, giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo không chỉ là mong mỏi của ngành Giáo dục mà còn là mong đợi của toàn xã hội đối với đội ngũ nhà giáo - những người đem lại tri thức, dẫn dắt thế hệ trẻ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Đây là chủ đề được các nhà giáo, nghiên cứu khoa học đang bàn luận sôi nổi và cho rằng, thiếu giáo viên trình độ cao là nguy cơ lớn đối với sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Vừa thiếu, vừa thừa

Tính đến năm 2018, số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm là khoảng 60.930 sinh viên. Trong đó, sinh viên được đào tạo là giáo viên chuyên ngành Tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.030.

Cho dù đến nay, Bộ GD-ĐT đã tăng số học sinh/giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển nhưng đến năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 70.100 giáo viên (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT).

Cô và trò trường Tiểu học Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) - ảnh: Thu Thủy
Cô và trò trường Tiểu học Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) - ảnh: Thu Thủy

Nhìn tổng quan cho thấy, sinh viên sư phạm được đào tạo để trở thành giáo viên trong tương lai mỗi năm tương đối nhiều. Tuy nhiên, vấn đề là trong khi lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp hàng năm nhiều nhưng các trường lại đang thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ, chuyên môn cao có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.

Những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu là do mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường Cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên khi được nâng cấp lên thành trường ĐH hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Nhiều trường không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ cao (giảng viên giảng dạy cố định nằm trong biên chế của trường).

Phương thức đào tạo chủ yếu của các trường ĐH hiện nay vẫn thiên về trang bị lý thuyết hơn là trang bị thực hành. Vì các trường chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh về đào tạo sinh viên sư phạm khó có thể cạnh tranh được so với các nước trong khu vực và thế giới.

Đào tạo và bồi dưỡng theo 3 giai đoạn

Để đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, các trường sư phạm cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong đào tạo giáo viên tương lai. Đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Văn Quân, trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt với thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo qua điểm phát triển liên tục nghề nghiệp giáo viên theo 3 giai đoạn: trước đào tạo nghề giáo viên, đào tạo nghề giáo viên và lao động nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục mầm non hoặc phổ thông.

PGS. TS Nguyễn Mạnh An, ĐH Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm, chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai có vai trò rất quan trọng đối với việc truyền đạt tri thức, hướng dẫn thế hệ trẻ. Nếu trường học có giáo viên giỏi thì chắc chắn có học trò giỏi và xã hội sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì thế, việc đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay có vai trò rất quan trọng.

Để thực hiện được mục tiêu này, PGS.TS Nguyễn Mạnh An cho rằng, các trường sư phạm nên đổi mới chương trình đào tạo gắn với đối mới phương pháp giảng dạy và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá sinh viên. Bên cạnh đó là đổi mới chương trình theo hướng cân đối trong thời lượng giữa học lý thuyết và thực hành sư phạm. Khi các trường xây dựng chương trình đào tạo nên theo hướng có sự tham gia của các bên như: doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các nhà quản lý trên địa bàn tỉnh, trường phổ thông...

Nhìn ở góc độ quy hoạch đội ngũ nhà giáo giỏi trong tương lai, GS.TS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, Bộ GD-ĐT cần quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Trong đó, chú trọng đến vai trò đào tạo giáo viên ở các trường ĐH địa phương. Các trường sư phạm ở địa phương không thể đứng độc lập mà phải được gắn kết với hệ thống các trường sư phạm lớn mạnh hơn trong việc trao đổi giảng viên, chia kinh nghiệm đào tạo...

Thiếu giáo viên trình độ cao là nguy cơ lớn đối với sự phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Vì vậy, việc quy hoạch, phát hiện, đào tạo giáo viên giỏi đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và nhu cầu của xã hội không chỉ cần sự nỗ lực lớn từ phía trường ĐH mà còn cần cả sự thay đổi về cơ chế tuyển dụng giáo viên, chính sách lương bổng và chế độ đãi ngộ. Có như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ nhà giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề trong tương lai./.

Theo Bích Lan/VOV.VN