1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

Thị trường lao động nhiều biến động, khó kiểm soát

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM về thị trường lao động TPHCM 9 tháng đầu năm.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), tổng số chỗ làm việc có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn thành phố trong 09 tháng đầu năm 2011 tăng 16,64% so với 9 tháng đầu năm 2010.

Tuy nhiên, tình hình chung của thị trường lao động thành phố là thường xuyên biến động về cung - cầu, doanh nghiệp thường xuyên mất người và phải liên tục tuyển người mới, nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng mất ổn định về lao động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc - giày da, chỉ số tuyển dụng 9 tháng đầu năm 2011 chiếm 16,36%, nghĩa là ngành này liên tục có nhu cầu tuyển dụng đến 16,36% cầu nhân lực của cả thành phố, tăng 59% so với 9 tháng đầu năm 2010. Điều đó không có nghĩa là ngành may mặc - giày da phát triển mạnh, mà là do lao động cũ liên tục bỏ việc nên doanh nghiệp luôn thiếu lao động.


Thị trường lao động nhiều biến động, khó kiểm soát - 1
Lương không theo kịp giá, lực lượng lao động liên tục di chuyển đến nơi có thu nhập cao hơn khiến doanh nghiệp mất ổn định về lao động (ảnh minh họa)

Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là từ chỉ số giá cả tăng, ảnh hưởng đến tiền lương - thu nhập, người lao động không đủ sống bằng đồng lương hiện tại nên phải bỏ việc, tìm công việc mới có thu nhập cao hơn. Mặc dù trong 9 tháng qua, doanh nghiệp luôn chú trọng điều chỉnh mức tiền lương cho phù hợp với chỉ số giá cả tăng nhưng vẫn khó ổn định lao động làm việc, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhận định tổng quan trong 9 tháng đầu năm, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Thị trường thành phố tiếp tục nhiều biến động, khó kiểm soát; đặc biệt quý I/2011 và quý II/2011 là 2 quý diễn ra sự biến động lao động khá lớn (trên 30%). Vì vậy, các doanh nghiệp phải liên tục tuyển dụng lao động để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực”.

Về nguồn cung nhân lực (lực lượng tìm việc) trong 9 tháng đầu năm 2011 có điểm mới là trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm 2010. Cụ thể, trên đại học - đại học (58,16%), cao đẳng (20,93%), trung cấp (15,87%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (4,56%), lao động phổ thông (0,49%).

Dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2011, FALMI cho là TPHCM sẽ có khoảng 75.000 chỗ làm việc trống và khoảng 20.000 nhu cầu lao động thời vụ. Về cơ  cấu  trình độ chuyên môn nghề bao gồm: lao động phổ thông 40%;  trình độ đại học, cao đẳng  30%; lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp 30%. Xu hướng việc làm thời vụ, việc làm bán thời gian của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh để thu hút lao động, đảm bảo sản suất kinh doanh những tháng cuối năm.

FALMI tiếp tục nhận định là tình hình thị trường lao động những tháng cuối năm 2011 vẫn biến động, khả năng tạo việc làm mới và ổn định việc làm sẽ còn nhiều khó khăn; khả năng giảm việc làm của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có thể xảy ra.

Tình trạng chung của thị trường lao động thành phố vẫn chưa cân đối được cung - cầu lao động, phổ biến hiện tượng nhiều doanh nghiệp luôn thiếu lao động nhất là lao động có trình độ chuyên môn giỏi. Trong khi đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp của thành phố vẫn ở mức khoảng trên dưới 5%, nhiều sinh viên học sinh vẫn khó tìm ngay được việc làm phù hợp.

Tùng Nguyên