1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Theo luật phải về hưu chứ tôi còn sung sức lắm"

Tôi rất tán thành với việc tăng tuổi hưu trên cơ sở thực tế công tác mà bản thân đã trải qua - nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Đức (Hưng Yên) nêu ý kiến.

Tôi về hưu từ năm 1998, khi tròn 60 tuổi. Theo luật thì phải nghỉ chứ tôi vẫn còn sung sức lắm, muốn được tiếp tục công tác bình thường đến tuổi 65.

Vì vẫn còn sức nên sau khi về hưu, tôi tiếp tục tham gia dạy học và vẫn được làm tổ trưởng chuyên môn tổ Xã hội (Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ, Công dân) của trường THPT dân lập Ân Thi (Hưng Yên).

Nhà trường còn giao cho tôi cả công tác chủ nhiệm lớp, mà chủ nhiệm lớp ở đây vất vả hơn ở trường công lập nhiều. Giáo viên chủ nhiệm vừa phải hàng ngày theo dõi, giáo dục học sinh về đạo đức, kỷ luật vừa phải phải làm nhiệm vụ nhắc nhở, đôn đốc các em đóng học phí… Tôi vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà nhà trường giao.

Đến năm 2007, tôi mới chủ động xin nghỉ vì muốn nhường chỗ cho sinh viên mới ra trường thất nghiệp, chứ không phải là không còn sức giảng dạy, công tác được nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệu trưởng trường dân lập cũng hết sức quý trọng tôi (vì tôi luôn làm việc hết mình), bảo: “Anh cứ giảng dạy, công tác ở đây đến khi nào già yếu không làm việc được nữa thì hãy nghỉ, không ngại chúng tôi sẽ 'ốm tha già thải' đâu!”.

Không chỉ tôi mà còn rất nhiều cụ dạy đủ các môn ở nhiều trường khác cũng hàng ngày đi xe máy đến trường tham gia giảng dạy như vậy.

Tôi thấy ở ta tuy thể lực không bằng các nước phát triển, nhưng không ít người như tôi, tuổi lao động vẫn có thể đạt mức 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Chính vì đồng lương hưu còn thấp, chi tiêu sinh hoạt lại ngày càng cao nên còn sức thì các cụ mới tham gia lao động nghề nghiệp như thế.

Ở các nước phát triển thì tuổi lao động này đã được thực hiện từ lâu rồi. Tôi biết chắc chắn qua họ hàng ruột thịt của tôi ở Hoa Kỳ và Pháp, học sinh cũ của tôi ở Ba Lan, Đức… cũng đều cho biết phải làm việc tới 65 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ mới về hưu được.

Vậy theo tôi thì cứ nhất quán nâng tuổi về hưu đối với nam là 65, nữ 60 và thực hiện luôn, không cần phải tăng dần từng bước, từng năm.

Nhưng có thể mềm hóa đi một chút: Đến độ tuổi về hưu hiện nay (nam 60, nữ 55), thì cơ quan và ngành sử dụng lao động (thường là cấp sở) thăm dò xem đối tượng nào còn có thể tiếp tục công tác tốt và muốn tiếp tục đến tuổi quy định là 65 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ thì tự nguyện làm đơn đăng ký để “xét”. Ai không làm đơn thì cho nghỉ.

Tôi tin chắc rằng nếu làm như thế thì đa số lao động bình thường, chân chính sẽ có đơn để được làm việc tiếp. Có thể giữ những người này để tiếp tục “chiến đấu”, vì hai bên (Nhà nước và người lao động) đều có lợi!

Trong số người làm đơn đăng ký tiếp tục làm việc nhưng bản thân yếu cả sức lẫn trí tuệ nghề nghiệp, lại lười biếng, bê trễ thì “xét” cho về hưu để bớt gánh nặng trả lương.

Theo NGƯT Nguyễn Hữu Đức/Vietnamnet.vn