1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Thay đổi nhận thức sẽ quyết định thành bại của dạy nghề nông thôn”

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ -TB&XH vừa tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Thay đổi nhận thức là vấn đề quyết định sự thành bại của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tới”.

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), sau gần 7 năm triển khai Quyết định 1956, đến nay, đã có gần 3,5 triệu lao động được hỗ trợ đào tạo, gồm: Trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%.

“Thay đổi nhận thức sẽ quyết định thành bại của dạy nghề nông thôn” - 1

Tuy nhiên, tại Hội nghị trên, nhiều đại biểu đến từ các địa phương trên cả nước cho rằng, vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nêu quan điểm, cần phải tổng kết đánh giá lại số học viên sau khi kết thúc các lớp đào tào nghề nông thôn xem công việc, cuộc sống của họ ra sao mới có thể kết luận được chương trình đào tạo đó là có hiệu quả hay không?

“Chúng tôi chỉ kỳ vọng 50% số học viên sau khi đào tạo phát huy được hiệu quả trong sản xuất đã là khá lắm rồi, chứ làm gì tới con số 80% như báo cáo?” - ông Phước nêu quan điểm.

Tại Hội nghị, một số đại biểu đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc cho biết, ở các địa phương này, tỉ lệ học viên sau đào tạo phát huy được nghề có nơi ước chỉ đạt 20%.

Trước những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, về phương thức đào tạo, giai đoạn tới (2016 - 2020), phải gắn với thực tế nhu cầu, cơ sở đào tạo phải gắn chặt chẽ với cơ sở sử dụng lao động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đào tạo nghề trong giai đoạn tới cần phải bám vào những chủ trương, định hướng lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Về nguồn vốn, Bộ trưởng cho biết giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cũng đã dành một khoản kinh phí gấp 4 lần giai đoạn 2010 - 2016 với khoảng 63 nghìn tỉ đồng (trên tổng số 193 nghìn tỉ cho Chương trình xây dựng NTM) để phục vụ cho chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, đây chỉ là một nguồn, cần phải lồng ghép thêm các chương trình, xã hội hóa việc đạo tạo cũng như tận dụng các chương trình hợp tác quốc tế.

Phải thay đổi 4 nhận thức trong đào tạo nghề lao động nông thôn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, thay đổi nhận thức là vấn đề quyết định sự thành bại của chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn tới. Việt Nam hiện có 54 triệu lao động thì lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm 23,5 triệu (chiếm 43%), tiềm năng lao động còn rất lớn.

Vì vậy, cần phải nhận thức dạy nghề cho lao động khu vực này không chỉ là chính sách việc làm, mang tính an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, mà còn là khai thác tiềm năng kinh tế đất nước; bởi con người là tài nguyên quý giá nhất của quốc gia. Nếu làm tốt việc đào tạo cho lao động khu vực nông nghiệp - nông thôn hiện tại, sẽ tạo điều kiện tốt để cung cấp nguồn nhân lực để chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Thứ hai, làm tốt đào tạo cho lao động nông nghiệp - nông thôn sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ cho chính lĩnh vực nông nghiệp theo yêu cầu của giai đoạn mới. Bởi hiện nay, chúng ta đang có hai nghịch lí, vừa thiếu lao động trẻ, thiếu lao động chất lượng cao phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng lại thừa lực lượng lao động già, sức khỏe và trình độ năng lực kém.

Thứ ba, việc đào tạo sẽ góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực để phục vụ cho đô thị hóa và chuyển dịch lao động từ nông thôn sang đô thị. Tới năm 2020, Việt Nam sẽ có 40% lao động ở khu vực đô thị, trong khi đó hiện nay hàng năm ước có khoảng gần 10 triệu lao động từ nông thôn ra đô thị nhưng không được trang bị kỹ năng, trình độ kiến thức, chỉ mang tính tự phát, mùa vụ là chính nên rất thiếu bền vững.

Cuối cùng, đào tạo lao động nông thôn góp phần vào việc đưa lại kiều hối, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện nay, hàng năm Việt Nam thu về khoảng 11 tỉ USD kiều hối, trong đó có đóng góp quan trọng từ khu vực nông thôn xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tới đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đầu tư mạnh ra nước ngoài, có thể thời gian tới sẽ phải đưa lao động của trong nước trực tiếp sang làm việc tại các nước ngoài.

Nguyễn Dương