1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thất nghiệp tự nguyện - Lùi để tiến

Vì một mức lương chưa vừa ý, một môi trường làm việc không thuận lợi, có những người sẵn sàng bỏ công việc đang làm để đeo đuổi những cơ hội tốt hơn. Thất nghiệp - với họ chưa bao giờ là điều tồi tệ.

Lùi một bước…

 

Thừa kinh nghiệm, cũng chẳng thiếu khả năng để tạo cho mình cái “mác hàng hiệu”, những người “thất nghiệp” thuộc diện này có thể tự tin… lắc đầu trước những đề nghị hấp dẫn của các doanh nghiệp và kiên tâm đợi chờ một công việc tốt hơn.

 

Không vội vàng cuống cuồng xin việc, không lo lắng trước “thảm cảnh” không việc làm, không thu nhập, buồn chán..., những người này luôn chuẩn bị tâm thế để xếp mình vào đội ngũ… tự nguyện không đi làm bởi họ hiểu rằng năng lực và “lịch sử thăng tiến” của họ cho phép họ có quyền lựa chọn cơ hội nào là tốt nhất và phù hợp nhất với bản thân.

 

Trở về nước với tấm bằng thạc sĩ ngành Xây dựng, gần chục năm giảng dạy trên đất Mỹ, Tùng tất nhiên trở thành đích ngắm của các công ty cả trong lẫn ngoài nước. Với mức lương không dưới 1.500 USD/ tháng, Tùng nhận lời làm cho một công ty sau khi đã có suy tính kĩ càng. Thời gian đầu, Tùng làm việc rất nhiệt tình, có khó khăn nhưng lúc ấy anh chỉ nghĩ đơn giản là do khác biệt về môi trường làm việc và anh có thể thích nghi dần qua thời gian. Thế nhưng Tùng nhanh chóng chán ngán với chuyện họp hành liên miên, những thủ tục hành chính phức tạp và phong cách làm việc khó có thể thay đổi của các sếp và đồng nghiệp trong công ty. Anh xin nghỉ việc và tiếp tục đầu quân cho một công ty khác. Mọi chuyện vẫn không như mong muốn. Qua mấy lần như vậy, Tùng rơi vào tình trạng thất nghiệp lúc nào không hay.

 

Nhiều người vẫn không thể hiểu nổi một người như anh Quang lại đang nằm trong cảnh thất nghiệp dù anh đã nhiều năm làm việc cho các công ty nước ngoài trong cương vị của nhà quản lý. Từ bỏ mức lương hàng ngàn đô, từ bỏ vị trí trưởng phòng đang nắm giữ, anh lui về lo cho gia đình, con cái và tối tối lại đi học thêm tại trung tâm ngoại ngữ, ôn thi cao học để xây dựng cho mình một con đường mới với nhiều dự tính hoài bão.

 

Với những du học sinh mới trở về nước như Tuấn Anh, chịu thất nghiệp cũng bởi vì mức lương không bao giờ được dưới 500 USD/tháng. Chi phí học hành ngốn hết hàng ngàn đô suốt những năm tháng bên xứ người là lí do chính khiến anh phải cân nhắc sẽ đầu quân cho công ty nào có thu nhập cao hơn để bù “vốn”.

 

… để tiến mấy bước

 

Không vừa ý vì mức lương chưa làm thỏa mãn, vì chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng với công sức họ bỏ ra, chấp nhận ra đi vì môi trường làm việc không phù hợp để phát triển năng lực và thăng tiến, có những người đã chịu “thất nghiệp” để chờ đợi những cơ hội và một tương lai như mình mong muốn. Đó là những cách không giống nhau để người ta thực hiện những khát vọng của bản thân.

 

Với những người thất nghiệp kiểu này, công việc và sự săn đón của các công ty đôi khi trở nên quá thừa vì bản thân họ biết rằng mình có sự chọn lựa cho riêng bản thân. Họ biết nói “không” khi cảm thấy không phù hợp và chưa phải lúc để lao đầu vào công việc.

 

Tùng dù thất nghiệp nhưng anh vẫn vừa nghiên cứu chuyên môn, tham gia vào những dự án của một công ty hay một tổ chức phi chính phủ nào đó, vừa chờ đợi những cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn và năng lực của bản thân. Tùng muốn ứng dụng những gì đã học được bên xứ người vào công việc, “không thì thật là lãng phí” - Tùng nói, không quên đề cập đến những tính toán mà bản thân đang theo đuổi.

 

Còn anh Quang sau những khóa học tiếng Anh và ôn thi cao học ngành quan hệ quốc tế đang dọn sẵn đường cho một kế hoạch công việc đúng với mơ ước mà anh đã từng nung nấu: ngành ngoại giao. Theo như anh Quang nói thì lương cao, môi trường làm việc tốt với anh chưa phải là tất cả mà với anh bây giờ, đam mê công việc, lĩnh vực ngành nghề nào mới là quan trọng.

 

Bỏ qua những lời mời chào có thể hấp dẫn với người khác, Tuấn Anh vẫn tự tin đưa ra điều kiện để các công ty “chi đẹp” thì mới đồng ý về làm. Với mức lương trên 500 USD/ tháng, Tuấn Anh mới mong mình hoàn được số vốn không hề nhỏ đã bỏ ra khi du học. Bằng cấp quốc tế, năng lực và có sẵn kinh nghiệm dắt lưng, Tuấn Anh không cảm thấy lo lắng gì khi mình đang trong cảnh “ăn không ngồi rồi”. Sáng sáng đi cà phê, lên mạng, thỉnh thoảng cùng hội bạn theo xu hướng làm tự do nhận vài dự án cho chân tay đỡ rảnh rang quá, Tuấn Anh tiếp tục sàng lọc những lời mời từ phía các nhà tuyển dụng.

 

Tự tin với năng lực và kinh nghiệm sẵn có, những người thất nghiệp kiểu này đang tự tìm lời giải cho bài toán lùi để tiến của mình. Thất nghiệp để đón chờ những cơ hội mới, thất nghiệp để nâng cao khả năng chuyên môn, họ đang tạo cho mình những “khoảng lặng” cần thiết cho những dự tính lớn lao trong sự nghiệp.

 

Theo kiemviec/chovieclam