1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thất nghiệp nhưng... ngại học nghề

Đa số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Đồng Nai là người chưa qua đào tạo, làm các nghề như may mặc, giày da. Thiếu trình độ là nguyên nhân chính khiến số lao động này không tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Thế nhưng khi được Nhà nước hỗ trợ học nghề họ lại từ chối bởi nhiều lý do.

Thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại Đồng Nai có gần 15.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong số này lao động phổ thông, chưa qua đào tạo khoảng 90%.

Theo quy định, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nếu có nhu cầu học nghề chỉ cần làm đơn là sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền trong suốt khóa học (mỗi tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng). Sau khi tốt nghiệp nghề, lao động sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp làm việc hoặc tự tìm việc làm.

Tuy nhiên, trong số gần 15.000 lao động thất nghiệp nêu trên chỉ có 650 người đăng ký học nghề và hơn 400 người thực học. Đặc biệt, có gần 140 lao động chỉ tham gia học nghề được một vài tháng rồi bỏ.

Dạy nghề chăn nuôi thú y cho lao động nông thôn. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN
Dạy nghề chăn nuôi thú y cho lao động nông thôn. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

Anh Hoàng Văn Tiến trước đây làm việc ở bộ phận đóng gói. Tháng 6/2016, anh Tiến xin nghỉ việc để tìm công việc mới và đang làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh Tiến tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng chưa được đào tạo nghề nên đi xin việc khó, lương không cao. Khi đăng ký thất nghiệp, anh Tiến được tư vấn học nghề nhưng cũng không học vì nếu đi học nghề sẽ không thể đi làm, không có thu nhập.

Theo lý giải của nhiều lao động thất nghiệp, sở dĩ họ không học nghề vì nhiều người được đào tạo nghề nhưng khi vào doanh nghiệp làm việc vẫn nhận lương như lao động chưa học nghề. Thêm vào đó trong thời gian đi học, lao động không có thu nhập lại phải bỏ ra nhiều chi phí, thời gian. Ngoài ra, nghề để người thất nghiệp lựa chọn theo học không đa dạng (nghề may công nghiệp, nấu ăn, kế toán), chưa phù hợp với thực tế, lao động không chắc chắn sau khi học sẽ tìm được việc làm phù hợp.

Trái với những quan điểm nêu trên, số người thất nghiệp đang học nghề cho rằng, muốn nâng cao trình độ thì mỗi cá nhân ít nhiều phải đầu tư thời gian, chi phí. Sự hỗ trợ của Nhà nước chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu của mọi người song đây là một điều rất tốt, là cơ hội để lao động nâng cao kỹ năng làm việc.

Chị Nguyễn Thị Nam, một người đang học lớp cắt may dành cho lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ chia sẻ: Năm 2015 tôi chấm dứt hợp đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yupoong Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco Long Bình, thành phố Biên Hòa - Đồng Nai). Cùng với việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi đăng ký học nghề may, sau khi học xong tôi sẽ mở tiệm may, thu nhập lúc đó sẽ ổn định hơn.

Theo nhiều học viên tại lớp cắt may của chị Nam, trước đây họ rất muốn học nghề nhưng nếu đi học họ sẽ phải đóng học phí và nhiều khoản khác, hoàn cảnh không cho phép họ đi học. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ nên thất nghiệp với họ là một cơ hội để được học nghề.

Một công nhân làm việc trong doanh nghiệp may nhiều năm chưa chắc đã may hoàn chỉnh được một bộ quần áo. Bởi khi làm ở công ty, mỗi người chỉ phụ trách một công đoạn, biết mỗi một khâu. Chỉ khi đi học, lao động mới được đào tạo bài bản, biết được toàn bộ cả quá trình làm ra sản phẩm.

Ông Võ Sơn Thu, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam Bộ đánh giá: Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao nhưng rất ít người học nghề là thực trạng chung ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

Trên phạm vi cả nước, có những tỉnh mỗi năm chỉ có vài chục người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề. Đó là do số tiền hỗ trợ chưa hấp dẫn, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa là 6 tháng). Ngoài ra, rất nhiều lao động suy nghĩ đơn giản, tầm nhìn ngắn hạn, chưa hiểu hết lợi ích của việc học nghề.

Để thay đổi thực trạng này, Nhà nước cần đa dạng ngành nghề để người thất nghiệp theo học, sau khi học xong, cơ quan chức năng cần hỗ trợ giúp lao động tìm được việc làm với thu nhập cao hơn khi chưa học nghề.

Những năm gần đây, thu hút đầu tư của Đồng Nai có sự thay đổi về chất, tỉnh ưu tiên những dự án công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Cùng với điều này, nhu cầu lao động đã qua đào tạo sẽ tăng lên, cơ hội việc làm với lao động phổ thông sẽ ngày một ít đi.

Việc học tập nâng cao trình độ là điều tất yếu, giúp mọi người tìm được việc làm tốt, với lao động thất nghiệp, học nghề ngoài ý nghĩa trang bị kỹ năng làm việc, cải thiện thu nhập còn để tránh bị loại ra khỏi thị trường lao động.

Theo baotintuc.vn