1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội cho người lao động

Nếu nhìn dưới góc độ tích cực dịch Covid-19 lại là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp và người lao động học tập, nâng cao tay nghề...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, thương mại... của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thể hoạt động ổn định, hàng nghìn lao động vẫn tạm thời chưa có việc làm.

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ tích cực thì đây lại là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp và người lao động học tập, nâng cao tay nghề để chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội phát triển mới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội cho người lao động - 1

Khu vực giải quyết bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh.
 

Ngày hội tuyển dụng lao động tháng 6 tại sàn giao dịch Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh khá vắng vẻ. Hơn 10 đơn vị đăng ký tuyển dụng nhưng chỉ có 4 đơn vị có lao động đến phỏng vấn dù trước đó, doanh nghiệp đã đăng tải rất nhiều thông tin trên các kênh như mạng xã hội, website...

Chị Lê Thị Quỳnh Trang, cán bộ nhân sự của Công ty TNHH Indovin cho biết lần đầu tham gia sàn giao dịch với hy vọng tìm được lao động cho những vị trí trống của công ty.

“Tôi thấy cũng rất vắng. Đa số là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường nên họ quan tâm tới các ngành dịch vụ nhiều hơn và một số ngành có thể đi xuất khẩu lao động. Với ngành nghề của công ty tôi cũng khá là đặc thù trồng rừng nên hôm nay cũng ra đây tuyển dụng xem có được như kỳ vọng không”, chị Trang cho hay.

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội cho người lao động - 2

Trái với khu vực giải quyết BHTN, tại các bàn tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lại rất vắng vẻ.
 

Khác với không khí tại khu vực tuyển dụng, các bàn hỗ trợ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp lại có rất đông người xếp hàng. Dù đã phải nghỉ việc từ vài tháng nay nhưng phần lớn người lao động đang làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp chỉ mong muốn quay lại công việc đã làm trước đó mà không muốn tìm cơ hội việc làm khác.

Chị Trần Trang Nhung, 27 tuổi, cho biết: "Các anh chị cũng tư vấn đi học một số nghề như pha chế, nghề bếp nhưng tôi không có nhu cầu học. Giám đốc cũng nói sẽ không biết bao giờ có thể khôi phục hoạt động trở lại nhưng tôi vẫn hi vọng được trở lại công việc cũ".

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội cho người lao động - 3

Dù đến từ sớm nhưng rất nhiều người dân phải chờ do nhu cầu hưởng Bảo hiểm thất nghiệp quá lớn nhất là trong tháng 4 và tháng 5.
 

Ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm tỉnh Quảng Ninh cho biết từ đầu năm cho tới nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết hơn 3.000 hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều nhất là trong tháng 4 và tháng 5 trong khi tỷ lệ hồ sơ đang ký tuyển dụng mới lại rất thấp.

“Tâm lý chung của người lao động nước ta vẫn chưa bắt nhịp được với xu thế chung về lao động việc làm và thị trường lao động thế giới. Tỷ lệ quay trở lại với thị trường lao động trong khoảng thời gian ngắn như 1-2 tháng là vẫn chưa cao. Ngay ở các cơ quan chuyên môn khác liên quan đến tuyển dụng việc làm thì việc tuyên truyền và tư vấn, giới thiệu cho người lao động vẫn chưa quan tâm đúng mức đến sự chuyển dịch này”, ông Khánh chia sẻ.

Tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nghề, tạo thêm cơ hội cho người lao động - 4

Trong khi đó tỷ lệ đăng ký tìm kiếm việc làm mới lại không đáng kể.
 

Tại hội thảo "Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” vừa được tổ chức, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết quỹ bảo hiểm thất nghiệp của cả nước đang kết dư khoảng 80.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực dồi dào để hỗ trợ người lao động quay lại tìm kiếm việc làm bằng cách đào tạo, nâng cấp tay nghề.

Để phát huy hiệu quả nguồn lực này, ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn nêu ý kiến: “Chúng ta đang thiếu chính sách phòng ngừa và duy trì việc làm cho người lao động cũng như việc chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, có nhu cầu đào tạo. Rất mong có những sửa đổi để chính sách thất nghiệp đi vào cuộc sống”.

Còn ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng: "Mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có 15% lao động được đào tạo nghề của chúng ta còn thấp. Chúng ta cũng phải xem xét việc đào tạo nghề như thế nào và ngành nghề gì là hợp lý thì cần có sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tế”.

Sau đại dịch, Việt Nam được dự đoán là nơi sẽ đón dòng chuyển dịch đầu tư nước ngoài... Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập một Tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu và "đón lõng" những dòng vốn chuyển dịch này.

Việc chuẩn bị một tâm thế tốt từ chính sách đến tay nghề của người lao động sẽ giúp chúng ta làm chủ cơ hội, đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động trong nước và kết nối quốc tế.

Theo Vũ Miền

VOV-Đông Bắc