Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:

Thanh Hóa: Nhiều Lúng túng trong rà soát lao động tự do theo NQ 42/NQ-CP

(Dân trí) - Nhiều địa phương tại Thanh Hóa cho biết vẫn còn lúng túng, khó khăn trong quá trình rà soát các nhóm đối tượng thuộc lao động tự do, tạm mất việc được hưởng trợ cấp của Chính phủ.

Khó khăn trong rà soát

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị Quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương đã nỗ lực ra quân tiến hành rà soát, lập danh sách.

Nhưng qua thực tế, việc xác định các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội của Chính phủ chỉ thuận lợi đối với những nhóm đối tượng, như: Người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, đối tượng người bảo trợ xã hội.

Trong khi đó, với nhóm đối tượng lao động tự do, dù đã có hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH nhưng nhiều địa phương vẫn đang lúng túng.

Thanh Hóa: Nhiều Lúng túng trong rà soát lao động tự do theo NQ 42/NQ-CP - 1

Rà soát đối tượng bán hàng rong để nhận trợ cấp cũng đang khiến cán bộ đau đầu.

Theo bà Trần Thị Hoa, cán bộ UBND xã Vạn Hòa (huyện Nông Cống), để xác định các đối tượng là người lao động mất việc làm có thu nhập thấp hơn hộ cận nghèo là vấn đề không hề dễ.

Bà Hoa cũng cho rằng, quy định cư trú hợp pháp tại địa phương, có hộ khẩu, thường trú tại địa phương cũng gây ra nhiều lúng túng. Nhiều người lao động đang làm việc trong miền Nam hay Hà Nội.

"Chúng tôi không có cơ sở nào để xác định họ làm ngành nghề gì mà hỗ trợ. Nếu hướng dẫn quy định người được thụ hưởng phải đang sống ở địa phương thì sẽ dễ triển khai hơn", bà Hoa nhấn mạnh.

Bà Hoa giải thích: "Cũng có trường hợp có ruộng nhưng không làm hoặc cho người khác ruộng; hay trường hợp không có ruộng nhưng lại mượn để làm… Đó đều là là phi nông nghiệp. Thế nên việc triển khai rất vướng mắc”.

Ngoài ra, việc xác định đối tượng phi nông nghiệp cũng phức tạp. Nhiều người dân có ruộng nhưng họ tranh thủ thời gian nhàn rỗi để đi làm ngành nghề khác.

Về vấn đề này, ông Cầm Bá Quyền - Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Xuân - cũng cho rằng, cán bộ rà soát đang lúng túng dù đã có hướng dẫn.

“Nhóm làm thợ xây, bốc vác cũng là làm thời vụ nhưng lại không rơi vào cụ thể quy định nào. Do đó, các xã đang rất mơ hồ trong việc xác định đối tượng", ông Quyền nêu ra vướng mắc.

Trong khi đó, Thường Xuân là huyện miền núi, có nhiều lao động tự do làm dịch vụ du lịch, phục vụ du lịch nhỏ của huyện, như ở bản Mạ hay ở vườn hoa... "Vì vậy, chúng tôi cũng không biết họ có thuộc đối tượng được hưởng hay không”, ông Quyền băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, cho biết: “Khó nhất là lao động phụ hồ. Họ kê khai làm nghề bốc vác vì bốc vác được nhận hỗ trợ còn phụ hồ thì không. Thế nhưng, trong hướng dẫn 03, xác nhận nơi thường trú hoặc tạm trú thì chỉ xác nhận khai báo ở lĩnh vực người ta kê khai chứ không xác nhận ngành nghề họ làm”.

Cũng với những trăn trở như trên, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quảng Xương bày tỏ: "Các đối tượng đi làm xa đã về nhà thì địa phương đã theo dõi, rà soát. Nhưng hiện nay vẫn còn một số người đi làm lao động ở các địa phương khác thì huyện chưa nắm bắt được thông tin liệu họ có mất việc hay không…".

Băn khoăn về đối tượng không nằm trong nhóm được hỗ trợ

Đặc biệt, nhiều cán bộ không khỏi băn khoăn vì trong quá trình rà soát nhận thấy nhiều đối tượng là lao động tự do bị mất việc làm trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra nhưng không nằm trong quy định được trợ cấp.

Thanh Hóa: Nhiều Lúng túng trong rà soát lao động tự do theo NQ 42/NQ-CP - 2

Nghề cắt tóc nằm trong nhóm được hưởng trợ cấp mùa dịch Covid-19.

 “Các hộ kinh doanh hàng ăn, cắt tóc gội đầu…bị cấm hoạt động theo chỉ thị nên được hưởng trợ cấp. Nhiều dịch vụ khác trên địa bàn cũng phải đóng cửa hết nhưng lại không thuộc diện hỗ trợ", bà Hoa, cán bộ UBND xã Vạn Hòa, nêu quan điểm.

Cũng theo bà Hoa, nhiều người ở địa phương đi làm thuê ở Hà Nội đều mất việc. Nhưng họ lại không thuộc nhóm hỗ trợ, đó cũng là điều thiệt thòi.

Bà Hoa cũng lấy ví dụ, có doanh nghiệp nhỏ ở trên địa bàn nhận may gia công túi, tầm 10-15 công nhân.

Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, họ không có nguyên vật liệu để làm. Nhưng vì là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, họ không đăng ký đóng bảo hiểm nên không nằm trong đối tượng nhận hỗ trợ.

"Người dân lên xã đề xuất ý kiến, gọi điện hỏi, thắc mắc rất nhiều về cái này", bà Hoa nói.

Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Thường Xuân thì băn khoăn việc các cô nuôi hợp đồng trong nhà trường liệu có được hưởng trợ cấp hay không vì đây là nhà trường, không phải doanh nghiệp như trong hướng dẫn.

 Bình Minh