1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Làng truyền thống làm miến dong nhộn nhịp dịp giáp Tết

(Dân trí) - Gần Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, làng nghề sản xuất miến dong truyền thống xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) lại nhộn nhịp hẳn lên. Hầu hết các gia đình đều phải tăng cường nhân lực chạy đua với thời gian để kịp đơn hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

“Chạy nước rút” 3 tháng cuối năm

Để có đủ hàng phục vụ dịp Tết, họ phải bắt đầu công việc từ 2-3h sáng cho đến tận đêm khuya. Nhà nhà chạy đua thời gian để có thể đảm bảo được số đơn hàng đã được đặt trước.

Theo người dân nơi đây thì nghề truyền thống làm miến dong có từ khoảng năm 80 của thế kỷ trước. Cuộc sống khó khăn nên người dân thường trồng dong bán củ tươi cho thương lái miền xuôi, phần lấy luộc ăn thay cơm. Bán, ăn không hết họ nghĩ ra cách nghiền lấy bột làm bánh, miến. Lúc đầu chỉ có vài hộ, nay cả thôn có cả trăm hộ, giải quyết cho hàng trăm lao động.


Người dân phải làm ngày làm đêm nhưng cũng không đủ để phục vụ khách.

Người dân phải làm ngày làm đêm nhưng cũng không đủ để phục vụ khách.

Dù là nghề truyền thống thế nhưng hầu như chỉ làm đồng loạt vào khoảng 3-4 tháng cuối năm để bán cho người dân ăn tết. Trung bình 3 tháng, mỗi hộ làm khoảng 15 – 30 tấn bột.

Chị Lê Thị Tý, làng Xăm, xã Cẩm Bình có thâm niên mấy chục năm làm miến cho biết, khi chị về làm dâu thì gia đình nhà chồng đã có mấy đời làm miến rồi. Bản thân chị về nhà chồng cũng học được cách làm miến dong, đến nay cũng đã 30 năm trong nghề. Năm nào nhà chị Tý cũng làm miến vào đầu tháng 9 âm lịch đến hết tháng 12 thì nghỉ.

Cũng như nhà chị Tý, gia đình bà Phạm Thị Thanh, thôn Sẻ, cũng đã nhiều năm làm miến dong gia truyền. Những dịp này, bà Thanh phải thuê thêm 5 lao động để sản xuất miến. Trong khuôn viên rộng chừng 70m2, mỗi người mỗi công đoạn đều tất bật để kịp làm ra những mẻ miến dong đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu cho nhân dân dịp Tết.

Thanh Hóa: Làng truyền thống làm miến dong nhộn nhịp dịp giáp Tết - 2
Thanh Hóa: Làng truyền thống làm miến dong nhộn nhịp dịp giáp Tết - 3
Quy trình làm miến đòi hỏi từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, ngay từ khâu chọn nguyên liệu.
Quy trình làm miến đòi hỏi từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, ngay từ khâu chọn nguyên liệu.

Người lọc bột, người tráng bánh, người cắt, người phơi, đóng gói…Mặc dù làm ngày, làm đêm nhưng miến ra đến đâu là hết đến đó. Bà Thanh cho biết, đến thời điểm hiện tại có nhiều đơn hàng, nhưng không có nhân lực nên gia đình không dám nhận thêm.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của người làm hàng là thiếu nguyên liệu và mặt bằng để sản xuất. Nguyên liệu chính là bột củ dong riềng, nhưng dong thu hoạch chỉ 3 tháng cuối năm, nguồn nguyên liệu ở địa phương khan hiếm nên phải nhập bột dong ở Mộc Châu ( Sơn La ) và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, việc sản xuất miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.

Theo kinh nghiệm của người làm miến dong gia truyền thì nếu nắng ấm sẽ sản xuất đều, năm nào mưa nhiều thì sản lượng và chất lượng sản phẩm cũng giảm vì miến phơi không được nắng, gió sẽ bị ẩm, mốc, không còn giữ được sự giòn, dai của sợi miến.

Theo những người làm nghề, sở dĩ miến dong Cẩm Bình được người tiêu dùng tin tưởng vì miến làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên là củ dong riềng và không hề có chất bảo quản, chất tẩy trắng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy trình làm miến đòi hỏi từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, đều và già. Dong được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Lọc bột nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết, quá trình lọc sạn cát và tạp chất ra khỏi bột là khâu rất quan trọng.

Bột dong riềng sau khi qua sơ chế, ngâm ủ, lọc tạp chất sẽ được đem đi tráng thành bánh. Công đoạn tráng bánh hoàn toàn thủ công nên sợi miến chín đều. Công đoạn tráng bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỷ mẩn của người làm nghề.

Muốn sợi miến đều đẹp thì tráng phải đều tay, căn lượng bột và thời gian hấp vừa đủ. Bánh tráng xong được phơi trên các sào lớn để ráo tự nhiên sau đó được cán bằng máy thành những sợi miến nhỏ. Khác với một số nơi thường pha thêm bột nghệ cho đẹp màu, miến dong xã Cẩm Bình chỉ dùng bột dong riềng nguyên chất nên rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tết đủ đầy nhờ nghề làm miến.

Mặc dù được xem là nghề phụ, vì chỉ làm rộ 3 tháng cuối năm, thời gian còn lại người dân vẫn làm nông nghiệp là chính, tuy nhiên thu nhập từ nghề làm miến dong mang lại đã giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng nên đã vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Nhiều gia đình đã đầu tư máy móc để việc làm miến được nhanh hơn.
Nhiều gia đình đã đầu tư máy móc để việc làm miến được nhanh hơn.

Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Sẻ - một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nghề phấn khởi cho biết, với giá nhập 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi 70 triệu đồng/3 tháng. Thời gian tới, anh và các hộ mong muốn địa phương sớm quy hoạch vùng nguyên liệu trồng dong để người dân chủ động trong sản xuất, không phải nhập, giảm chi phí, để phát triển bền vững.

Còn theo chị Tý thì nhờ có nghề làm miến truyền thống mà nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. Những năm gần đây, thu nhập từ nghề miến khiến Tết của người dân được sung túc hơn. Bình quân mỗi năm gia đình chị trừ hết chi phí cũng lãi được vài chục triệu đồng. Như năm ngoái, trong 3 tháng cuối năm, gia đình chị Tý làm tổng hết 32 tấn bột, 20 tấn miến, lời khoảng 20 triệu.

Cũng như gia đình anh Sơn, nhờ làm miến dong, gia đình chị Lê Thị Sinh, thôn Sẻ cũng đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang và đầu tư hệ thống mái che rộng gần 200m2 để phơi miến. Với nguồn ra ổn định và không ngừng tăng, thời gian tới, gia đình chị thuê thêm nhân công, đầu tư thêm lò tráng bánh, máy cắt để sản xuất quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương…

Dù chỉ là nghề phụ 3 tháng cuối năm nhưng nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng.
Dù chỉ là nghề phụ 3 tháng cuối năm nhưng nhiều gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng.

Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Nghề làm miến dong của bà con nơi đây đã có từ lâu đời. Hiện toàn xã có hơn 200 hộ duy trì làm miến dong truyền thống. Có thể nói nghề làm miến dong gia truyền mấy năm nay không những xóa đói giảm nghèo mà còn khiến cho nhiều hộ khá giả. Ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trong xã”.

Cũng theo ông Đức thì hiện người dân vẫn phải nhập nguyên liệu từ Sơn La, Lai Châu, nhưng tới đây sẽ định hướng tạo làm đầu vào cho nguồn miến sạch.

Bình Minh