1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hoá: Gần 2.000 người lao động trái phép tại Trung Quốc

(Dân trí) - Do đi lao động trái phép nên người lao động thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhiều trường hợp còn bị ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn gần 2.000 người đang lao động trái phép tại Trung Quốc.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương.

Thanh Hoá: Gần 2.000 người lao động trái phép tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc với chính quyền địa phương về tình hình xuất cảnh đi lao động trái pháp luật.

Mặc dù, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể tích cực vận động, tuyên truyền nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn gần 2.000 người đang lao động trái phép tại Trung Quốc.

Do tự ý xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài (nhất là Trung Quốc) mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động nên quyền lợi của công dân thường không được bảo vệ.

Xuất cảnh trái phép, người lao động trái phép phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: Bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bóc lột sức lao động, mỗi ngày phải làm việc trung bình từ 12 - 14 tiếng đồng hồ; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải làm những công việc trong môi trường độc hại dễ dẫn đến ốm đau, tai nạn, nhiều trường hợp còn bị ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động.

Đồng thời, khi có đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng, phải trốn chui, trốn lủi trong rừng hoặc các hầm chứa. Thậm chí có không ít người sa vào con đường phạm pháp, nghiện hút, tù tội. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, bị ép làm gái bán dâm...

Theo số liệu thống kê, trong số người Thanh Hóa xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc, đã có gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, đẩy đuổi về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, 41 trường hợp bị tai nạn, tử vong.

Thanh Hoá: Gần 2.000 người lao động trái phép tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ xuất cảnh đi lao động trái phép.

 Trong đó, nhiều gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đưa thi thể người thân về mai táng, nhiều trường hợp bị mất tích trên đất Trung Quốc.

Qua điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật thì thủ đoạn của các đối tượng thường gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động.Nếu không có tiền, các đối tượng sẽ bao trọn gói toàn bộ chi phí xuất cảnh, sau đó sẽ trừ vào tiền lương hàng tháng. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, nhằm hưởng hoa hồng và thù lao.

Để đưa được người xuất cảnh trái phép sang biên giới, các đối tượng thường móc nối với số đối tượng khu vực giáp biên giới, tổ chức cho người lao động vượt biên bằng những lối mòn trong rừng hoặc qua sông, bất chấp rủi ro, nguy hiểm mà không làm thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật.

Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng chấm dứt tình trạng công dân xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, các lực lượng công an tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua đơn vị đã khởi tố điều tra 10 vụ/10 đối tượng, đưa ra xét xử, tuyên án 7 đối tượng liên quan đến việc tổ chức, dẫn người đi lao động trái phép tại Trung Quốc.

Duy Tuyên