1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Đi xuất khẩu lao động trái phép, mất trắng 200 triệu đồng

(Dân trí) - Thanh Hóa có 2 huyện bị cấm xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc vì nhiều lao động hết hạn không về nước. Dù vậy, nhiều người lao động ở 2 huyện trên vẫn tìm cách đi "chui" sang Hàn Quốc. Việc làm thì chưa có nhưng hậu quả là mất tới hàng trăm triệu đồng.

Vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã chính thức có công văn gửi UBND các địa phương việc ngừng tiếp nhận lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2019.

Trong đó, Thanh Hóa có 2 huyện là Đông Sơn và Hoằng Hóa. Đây là hai địa phương đã bị phía Hàn Quốc cấm xuất khẩu lao động từ nhiều năm nay. Nhưng vẫn có tình trạng lao động ở 2 huyện trên chấp nhận bỏ cả trăm triệu đồng cho “cò” môi giới để được đi “chui”.

Đóng trăm triệu đồng để được lao động “chui”

Đóng 200 triệu đồng trọn gói cho một công ty môi giới, Nguyễn Văn L. (26 tuổi, quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) đã sang được Hàn Quốc với cách thức làm visa đi du lịch, rồi ở lại làm lao động “chui”.

Nhưng sự may mắn không trọn vẹn, anh L. vừa sang làm việc được 3 tháng thì bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện cư trú bất hợp pháp và trục xuất về nước.

Thanh Hóa: Đi xuất khẩu lao động trái phép, mất trắng 200 triệu đồng - 1

Có nhiều người dù trót lọt sang Hàn Quốc bằng con đường du lịch thế nhưng không bao lâu sau đó thì bị trục xuất về nước và không biết phải xoay xở số tiền lớn ra sao để trả nợ. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Theo lời kể của anh L, nhóm của anh có 10 người. Những người này đều đóng cho công ty môi giới 200 triệu đồng để được sang Hàn Quốc làm việc. Khi đóng khoản tiền này, những người như anh L. được công ty này hứa sẽ lo từ A-Z, từ thủ tục sang cho đến lúc tìm được việc làm.

Nhưng không cam kết. Nhóm của anh L. chỉ được công ty môi giới đưa sang đến mảnh đất Hàn Quốc và sau đó thì rũ bỏ trách nhiệm.

“Nhiều lần liên hệ người môi giới và công ty thì đều nhận câu trả lời chỉ lo thủ tục sang đến Hàn Quốc, còn công việc phải tự đi xin. Không còn cách nào khác, mấy anh em chia nhau đi tìm việc, em may mắn tìm được công việc hàn xì, lương mỗi tháng cũng được 25 triệu đồng.

Chưa kịp mừng thì sau 3 tháng làm việc, em bị phát hiện. Họ tạm giữ rồi liên hệ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bàn giao, trục xuất em về nước. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi phí đi đường. Giờ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ em mới kiếm lại được” - anh L. buồn bã kể lại.

Cũng bằng hình thức làm visa đi du lịch, Trần Văn T. (31 tuổi, quê xã ven biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) cũng đi theo con đường môi giới.

Theo người môi giới, ban đầu, mỗi người lao động phải đóng lệ phí 100 triệu đồng cho một công ty ngoài Hà Nội để lo thủ tục, hồ sơ. Sau 10 ngày, sẽ tiếp tục nộp thêm 60 triệu đồng nữa để hoàn tất mọi thủ tục và đợi đến ngày lên đường.

Đó là một số tiền khổng lồ đối với người dân biển nghèo, thế nhưng với mong ước đổi đời, gia đình T. đã xoay xở khắp nơi để đủ tiền nộp.

T. cho biết hình thức làm visa đi du lịch, sang đến nơi sẽ “trốn” theo người dẫn đường đến công ty để làm việc “chui”. Người lao động không cần phải học tiếng, không cần đào tạo nghề.

Cũng theo T, nhân viên môi giới nói lương tháng đầu khoảng vài chục triệu đồng, quen việc thì mức lương có thể gấp đôi, gấp ba. Dù đã lo đủ số tiền như yêu cầu, nhưng hơn 2 tháng nay, người thanh niên này vẫn chưa thấy hồi âm của công ty.

T còn cho biết, công ty môi giới đã hướng dẫn đổi hộ khẩu sang huyện khác. Với cách này, nhiều người bạn của anh cũng đã thông qua công ty này và trót lọt trước đó.

Được biết, không những T. hay L.,  hàng trăm trường hợp dù nằm trên địa bàn bị cấm xuất khẩu lao động vẫn tìm đến các công ty môi giới để được sang Hàn Quốc lao động “chui”.

Bỏ qua lời khuyên

Được biết, năm 2018 Thanh Hóa có gần 1.300 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cũng đã thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc theo chương trình EPS tại 5 huyện, thành phố là Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP .Thanh Hóa, Triệu Sơn và Nga Sơn.

Thanh Hóa: Đi xuất khẩu lao động trái phép, mất trắng 200 triệu đồng - 2

Dù đã được khuyên những lao động nằm trên địa bàn đã bị cấm thì không nên tham gia học tiếng vì chứng chỉ chỉ có giá trị trong 2 năm, tuy nhiên nhiều người vẫn không nghe.

Riêng trong năm 2019, Thanh Hóa còn 2 huyện là Đông Sơn và Hoằng Hóa vẫn nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc tỉnh Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm đầu cả nước về tình trạng lao động không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, cư trú bất hợp pháp là vì người lao động mới chỉ quan tâm đến lợi ích tiền bạc trước mắt mà không để tâm đến yếu tố văn hóa lao động, vì lợi ích chung.

Nhiều trường hợp lao động “chui”, “nhảy” việc gặp phải những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh không được hưởng bất kỳ sự trợ giúp nào từ cơ quan chức năng. Thậm chí có người phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách.

Ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá), cho biết: "Nhằm tránh thiệt hại cho người lao động, ngay từ khâu đăng ký học tiếng Hàn, trung tâm đã khuyên lao động có hộ khẩu ở các huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển không nên tham gia học".

Theo ông Thanh, nếu lao động thuộc nhóm trên vẫn học sẽ tốn tiền và thời gian, lại không được tham gia XKLĐ do chứng chỉ tiếng Hàn chỉ có giá trị trong 2 năm. Thế nhưng, vẫn có nhiều người không nghe.

Tổ chức Phiên GDVL online tại Thanh Hoá vào tháng 7

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hoá, để tạo cơ hội việc làm cho lao động Hàn Quốc về nước theo chương trình EPS, Trung tâm sẽ phối hợp tham gia hội chợ việc làm online với Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hà Nội. Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7 tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hà Nội và sẽ kết nối phỏng vấn trực tuyến với Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa để người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu phỏng vấn online.

Bình Minh