1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Bình:

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Từng từ chối suất học bổng tiến sĩ tại Úc để về quê khởi nghiệp, sau nhiều nỗ lực, anh Quả đã thu cả tỷ đồng/năm từ cây rau sạch. Ngoài ra, anh còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Lê Đình Quả trú tại thôn Kéc, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở độ tuổi, 39, anh đang là chủ của một nông trại rau sạch và chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm được người dân địa phương tin dùng.

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 1

Sau khi về quê, vợ chồng anh Quả đã mua đất làm nông trại với quyết tâm làm giàu với mô hình rau sạch.

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào làm việc tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ tại Quy Nhơn. Anh còn bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tại Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Khi đó cũng là lúc anh phải lựa chọn ngã rẽ giữa việc học tiếp với suất học bổng tiến sĩ bên Úc hoặc về quê lập nghiệp. Anh Quả đã đi theo lựa chọn thứ 2.

“Lúc đó thực sự đi làm lương thấp mà lại xa nhà nên vợ chồng mình quyết định xin nghỉ việc về quê. Với vốn hiểu biết về nông nghiệp, mình đã chọn rau sạch làm hướng đi cho việc phát triển kinh tế bền vững sau này”, anh Quả kể lại.

Được biết, thời điểm đó, vợ của anh cũng là một kỹ sư có tuổi nghề gần 10 năm tại một Viện nghiên cứu về nông nghiệp ở vùng Nam Trung Bộ.

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 2

Sau nhiều nỗ lực, vợ chồng anh Quả bắt đầu có những thành quả từ nông trại rau sạch.

Sau khi bán nhà tại Quy Nhơn vào tháng 6/2016, vợ chồng anh Quả và hai con nhỏ về Quảng Bình, gom góp được 600 triệu đồng để mua 2,8 ha đất, lại vay mượn thêm ngân hàng, huy động người thân, bạn bè hỗ trợ để có tiền san ủi làm đất trồng rau.

Hai năm đầu là khoảng thời gian khó nhất đối với những người mới khởi nghiệp như anh Quả. Đất đai chưa thuần, sâu bệnh, chọn giống, phương pháp trồng…là những thử thách lớn ban đầu, khi tạo ra được nông sản lại lo thị trường tiêu thụ.

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 3
Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 4

Những vườn rau xanh mướt trong nông trại của vợ chồng anh Quả.

Tất cả những khó khăn tưởng như làm gục ngã đôi vợ chồng vừa rời phố về quê khởi nghiệp, nhưng với đam mê, quyết tâm không ngừng, họ đã từng bước vượt qua khó khăn, cùng nhau cày xới trên mảnh đất gần 3 ha với niềm tin hóa đất thành vàng.

Với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, chính quyền địa phương, mô hình trồng rau sạch đã từng bước lớn mạnh và có chỗ đứng trong thị trường nông sản sạch của tỉnh, làm hài lòng cả những khách hàng khó tính nhất.=

Cận Tết 2017, vợ chồng anh Quả mở cửa hàng phân phối rau tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch.

Đến tháng 9/2017, anh chị quyết định chuyển cửa hàng vào TP Đồng Hới, dân cư tập trung đông đúc, thu nhập và nhu cầu tiêu thụ rau sạch cao hơn nhiều, sản lượng ổn định hơn. Sau 3 tháng, khách hàng bắt đầu đông dần.

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 5

Anh Lê Đình Quả còn bỏ công nghiên cứu ra loại phân đạm hữu cơ được ủ từ bã đậu để bón cây

Sản phẩm rau sạch được anh chị đặt tên thương hiệu An Nông và có chứng nhận VietGap. Nông trại trồng rau mùa nào thức nấy, chủ yếu gồm rau ăn lá, rau thơm, xà lách, cà chua, bầu, bí, dưa chuột…

Thương hiệu rau sạch An Nông mà hai vợ chồng đã miệt mài gây dựng dần có chỗ đứng trên thị trường nông sản tại mảnh đất gió lào cát trắng.

Để trồng ra nông sản năng suất, an toàn tuyệt đối, nông trại An Nông đã tỉ mỉ từ khâu chọn giống, phơi thải đất, chế tác phân hữu cơ thay cho phân hóa học thông dụng, áp dụng hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động, khai thác giống cây trồng trong hệ thống nhà màng hiệu quả.

Với những tiêu chí cùng những cam kết về chất lượng nông sản 5 không, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen, không thuốc trừ cỏ nên để cho ra một sản phẩm cần đầu tư công phu, 40 loại rau củ sẽ có từng chu trình chăm sóc khác nhau.

Thạc sĩ nông nghiệp bỏ việc về quê trồng rau sạch thu gần 1 tỷ đồng mỗi năm - 6

Sản phẩm rau sạch được anh chị đặt tên thương hiệu An Nông và có chứng nhận VietGap.

Anh Lê Đình Quả còn bỏ công nghiên cứu ra loại phân đạm hữu cơ được ủ từ bã đậu để bón cây. Theo đó, bã đậu, lạc sau khi được ép lấy dầu cần ngâm với chế phẩm vi sinh, sau quá trình ngâm ủ để cho ra phân đạm có vai trò tương đương với các loại đạm thông thường.

Trung bình mỗi năm, nông trại của anh Quả và chị Thủy cho ra thị trường từ 30-40 tấn rau chất lượng mang lại nguồn thu từ 700-800 triệu đồng. Nông trại còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều nhân công tại địa phương với mức lương trung bình từ 5,5 triệu/tháng. 

"Chúng tôi được anh Quả và chị Thủy thuê chăm sóc vườn rau, mỗi người sẽ có một công việc riêng và làm theo chuỗi mô hình. Mỗi mùa thì nông trại lại có những loại nông sản phù hợp nên việc làm của chúng tôi là thường xuyên và ổn định", một công nhân của nông trại An Nông cho biết.

Hiện thương hiệu rau sạch An Nông đã có mặt trong chuỗi rau an toàn của siêu thị Co.opmart Quảng Bình, đồng thời nông trại chính là đơn vị cung cấp nông sản sạch, cho nhiều trường học.

Trao đổi về mô hình của anh Quả, ông Phan Văn Lâm, Phó Chủ tịch UNND xã Hòa Trạch cho hay, vợ chồng anh Quả là những gương mặt tiêu biểu trong việc tiên phong làm kinh tế từ mô hình rau sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.

"Chính quyền xã cũng như các cấp ban ngành luôn hỗ trợ hết mức trong điều kiện cho phép để những ý tưởng khởi nghiệp như anh Quả phát triển tốt trên chính quê hương mình. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân học hỏi và phát triển các mô hình tương tự như gia đình anh Quả để làm kinh tế”, ông Lâm nói.

Tiến Thành