Tất bật “canh bạc” hoa Tết Kỷ Hợi: “Cắm sổ đỏ” vì… ruộng hoa

Có những nhà vườn chỉ sau một vụ hoa Tết đã phất lên trông thấy, nhưng cũng có nhà lụn bại chỉ vì hoa. Ấy thế mà không một ai trong các làng hoa truyền thống ở ngoại ô Hà Nội chấp nhận từ bỏ vụ hoa Tết. Thậm chí, có nhà còn “cắm sổ đỏ” để có vốn dồn vào các ruộng hoa.

Suất đầu tư lớn…

Đến làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này, không khí nhộn nhịp khắp trong xóm, ngoài đồng. Người dân tất bật với công việc trồng hoa, người cuốc đất, người lên luống. Đất, giống cây đều được chuẩn bị, chọn lựa kỹ càng. Với hoa ly, hoa cúc, đất đã được ủ phân trước đó 2 tháng… Tất cả để chuẩn bị cho một vụ hoa Tết với bản đồ cung cấp cũng mở rộng hơn, đi nhiều tỉnh xa hơn như Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An...

Tại Nhà vườn Hoa Tuấn, khá đông lao động nữ say mê làm việc. Người thì cặm cụi lên luống, gieo củ hoa ly từ nhà lạnh xuống vườn, người thì tất bật ôm từng vác củ ly cung cấp cho từng luống. Chị Hoa, chủ nhà vườn này cho hay, với hơn 2 sào ruộng, nhà chị chủ yếu trồng giống hoa này.

Ngoài ra, còn ít đất ở vài khu vực khác nhau, chị trồng thêm hoa cúc, hoa hồng, thế nhưng hoa ly vẫn là chủ lực của mỗi vụ. “Dịp Tết là mùa thu nhập lớn nhất với những người trồng hoa nên công đoạn chuẩn bị thời gian này cần phải chu đáo và rất cẩn thận”, bà chủ nhà vườn nói.


Người dân Tây Tựu đang chuẩn bị cho vụ hoa tết

Người dân Tây Tựu đang chuẩn bị cho vụ hoa tết

Với chi phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu tiền củ hoa cho 1 sào hoa ly, gia đình chị Hoa dự tính thu về khoảng 200 - 300 triệu/sào nếu thời tiết ủng hộ. Tuy nhiên, nếu thời tiết không thuận, hoa không nở đúng dịp Tết thì có thể lỗ tới 60 - 70 triệu đồng/ sào. “Nếu làm ăn được thì làm giàu về ly nếu không thì cũng phá sản vì ly”, chị Hoa thật thà chia sẻ.

Không chỉ chị Hoa nhận định như vậy mà bất cứ người dân Tây Tựu nào cũng khẳng định, ở làng hoa này, có những nhà phất lên vì hoa nhưng cũng có nhà tán gia bại sản vì hoa. Nhưng người dân nơi đây không vì thế mà bỏ nghề trồng hoa… Họ vẫn tất bật chuẩn bị vào một vụ đầu tư mới và hồi hộp đón đợi mỗi dịp Tết đến Xuân về xem thời tiết có ủng hộ cho người làng hoa hay không.

Trao đổi với PV, bà Điệp - một người dân trong làng này cho biết, ở Tây Tựu, người dân chuẩn bị cho vụ hoa Tết từ tháng 5. Đấy là thời điểm người dân rục rịch cắm “bìa đỏ” vay tiền chuẩn bị cho dịp Tết. Giải thích vì lý do chuẩn bị vào vụ sớm, bà Điệp cho biết, họ phải tiến hành ngay từ bây giờ vì còn phải lo đến việc không vay được chỗ này (do lãi suất cao) thì đi vay chỗ khác... “Vào khoảng tháng 7, tháng 8, ai mang bao nhiêu tiền đến đây, người làng hoa này cũng vay hết!”, bà Điệp khẳng định.

Đầu tư cho hoa ly cao - mỗi sào hơn 100 triệu đồng nhưng ở làng hoa Tây Tựu, người ít thì vài sào, người nhiều cả vài mẫu. Nhà bà Điệp cũng có 2 người con trai theo nghiệp trồng hoa nhưng hiện nay, đất Tây Tựu không còn, 2 người con nhà bà phải dịch chuyển lên tận làng Hạ Mỗ (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), cách nhà khoảng 10 cây số để thuê đất trồng hoa. Mà không riêng gì nhà bà Điệp, ở làng Tây Tựu, hầu như nhà nào khi thiếu đất cũng đều tìm đường lên Hạ Mỗ…

Thành, bại chỉ trong vài ngày

Ngoài hoa ly, hoa cúc đón Tết, năm nay Nhà vườn Hoa Tuấn có thêm hoa hồng son (một loại hoa gia đình ghép được) để phục vụ Tết. Loài hoa này thu hoạch muộn, sau vài năm trồng mới ra hoa nhưng một điều may mắn là thường có hoa vào dịp Tết nên cũng có giá hơn. Chị Hoa cho biết, riêng hoa hồng son thì diện tích trồng gấp đôi, gấp ba diện tích trồng hoa ly mới có hoa để bán Tết.

Loại hoa này cánh to và màu đỏ thậm rất đẹp nên được nhiều người ưa thích. Giá bán cũng cao hơn các loại hoa hồng khác. Theo Nhà vườn này, ngày thường giá của loại hoa này cũng bán được 15.000 đồng/bông, vào dịp Tết có thể đắt hơn, thậm chí gấp đôi - lên tới 30.000 đồng/bông. “Nhưng để được giá ấy hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết”, chị Hoa nói.

Không riêng gì hoa hồng son, tất cả các loại hoa phục vụ Tết đều phụ thuộc vào thời tiết. “Thành hay bại cũng từ thời tiết mà ra cả” nên người trồng hoa phải nghe ngóng thời tiết rất sát sao. Chị Hoa cho biết, năm nay do thời tiết ấm hơn nên việc gieo củ hoa ly muộn hơn khoảng 20 ngày so với mọi năm, nhưng nếu nhỡ vài ngày sau thời tiết trở lạnh, lại lạnh kéo dài, ly nở muộn là bà con Tây Tựu coi như… “mất” Tết.

Thế nên có những gia đình chuẩn bị đến mấy đợt phục vụ hoa Tết, gieo củ hoa cách nhau độ 2-3 tuần để đảm bảo, trượt Tết luống này thì còn Tết luống khác bù vào. Nhưng thực tế, chỉ có những nhà nhiều vốn mới có thể “đón” Tết bằng nhiều vụ như thế. Không chỉ lo vốn trồng hoa, người dân Tây Tựu còn phải lo lắng đến nhân công chuẩn bị cho nghề hoa, bắt đầu từ gieo củ hoa đến thu hoạch, bó hoa cũng cần một lượng nhân công khá lớn. Và điều chắc chắn, chi phí chi trả cho những đối tượng thời vụ này đều tăng lên rất nhiều vào mỗi dịp Tết (khoảng 50.000 đồng/ngày công).

Những người làng hoa Tây Tựu chia sẻ, chuyện tăng chi phí nhân công dịp Tết là chuyện bình thường vì thời điểm ấy tìm được nhân công là vô cùng khó. Với họ, chuyện phải ứng phó với thời tiết mới là khó khăn lớn. Họ đều trồng hoa tự nhiên, mà hoa thì phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nên có những năm, đến gần giữa tháng Chạp rồi, người dân làng hoa vẫn chưa thể yên tâm choTết.

Bởi có những năm, gần Tết quá nóng, hoa bung hết nên không kịp có hoa để đón Tết nhưng có những năm, đến gần Tết lại lạnh quá, khiến hoa không thể hé nụ đúng vụ, người dân lại… “méo mặt”. “Thành hay bại đôi khi chỉ phụ thuộc vào khoảng mươi, mười lăm ngày thôi”, chị Hoa kết luận. Nhưng dù thế thì chị và những người làm hoa ở làng Tây Tựu cũng đang háo hức cho “canh bạc” lớn nhất trong năm nay.

Trời không thuận, lỗ gần trăm triệu/sào ly

“Với chi phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng tiền củ hoa giống cho 1 sào hoa ly, các nhà vườn dự tính thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng/sào, nếu thời tiết ủng hộ. Tuy nhiên, nếu thời tiết không thuận, hoa không nở đúng dịp Tết thì có thể lỗ tới 60 - 70 triệu đồng/ sào. “Nếu làm ăn được thì làm giàu về ly, nếu không thì cũng phá sản vì ly”, chị Hoa - nhà vườn Hoa Tuấn (Tây Tựu, Hà Nội).

Theo Nhật Thu - Phan Mơ/Báo Pháp Luật VN