1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tạo việc làm cho NKT - cần thêm hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp

(Dân trí) - “Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ năm 2011 với quy định doanh nghiệp nhận từ 30 % người khuyết tật trở lên sẽ có những hỗ trợ. Tuy nhiên, với mức 30 % thì không có nhiều doanh nghiệp thực hiện được và cần những quy định hỗ trợ cụ thể. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc của người khuyết tật đang tăng nhanh”.


Nhu cầu tìm việc của NKT ngày càng nhiều

Nhu cầu tìm việc của NKT ngày càng nhiều

Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, trao đổi tại cuộc họp báo về Ngày hội việc làm cho Người khuyết tật lần thứ 5. Chương trình do Thành đoàn Hà Nội, Hội Người khuyết tật Hà Nội và TT DVVL thanh niên Hà Nội tổ chức chiều 11/4 tại Hà Nội.

Giải thích thêm, bà Dương Thị Vân cho biết: “Luật Người khuyết tật quy định có hỗ trợ cho doanh nghiệp khi nhận 30 % người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên cần có thêm nhiều hướng dẫn hỗ trợ cụ thể ra sao. Tới nay, Hội cũng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Nhiều doanh nghiệp tiếp nhận NKT cũng muốn có hỗ trợ cụ thể về đất đai; kinh phí để cải tạo phương tiện, nhà vệ sinh và hệ thống đi lại phù hợp cho NKT. Đặc biệt là có những văn bản hướng dẫn cụ thể”.

Cũng theo bà Dương Thị Vân, quy định trước đây nêu rõ: Doanh nghiệp nếu không nhận 2 % NKT vào làm việc thì phải đóng góp vào quỹ giải quyết việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác đóng góp kinh phí này vào quỹ hỗ trợ việc làm.

Ngày hội việc làm cho NKT lần thứ 5 - năm 2016 được tổ chức ngày 15/4 tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật VN (Số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chương trình thu hút hơn 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 350-400 ứng viên, trong đó có nhiều chỉ tiêu tuyển dụng và dạy nghề cho NKT. Chương trình kỷ niệm Ngày Người khuyết tật VN 18/4 và 10 năm thành lập Hội NKT Hà Nội.

Đánh giá về tác dụng của Luật Người khuyết tật, bà Dương Thị Vân cho rằng nhận thức của xã hội với NKT đã được nâng cao. “Đặc biệt là công tác truyền thông về luật đã giúp nhiều NKT trẻ tuổi chủ động tìm việc hoặc đăng ký học nghề hơn”.

Chia sẻ những khó khăn về công tác hỗ trợ việc làm cho NKT, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc TT DVVL thanh niên Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội) cho biết: Khó khăn đầu tiên là do chính là từ các dạng tật của NKT. Điều này khiến cho công tác tiếp cận việc làm trở nên khó khăn.

Qua công tác tư vấn việc làm, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh thẳng thắn: “Nhà tuyển dụng khi tới Trung tâm còn kén chọn từng người không khuyết tật cho công việc của mình. Chính vì vậy, việc hỗ trợ việc làm cho NKT không đơn giản. Khi NKT có nhu cầu học nghề để tìm việc thì khó tìm được ngay đơn vị tiếp nhận…”.

Chia sẻ thực tế tại nhiều doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho rằng: Trong 1 đơn vị chỉ có từ 1-2 vị trí tiếp nhận được NKT vào làm việc. Nếu muốn tiếp nhận đông NKT đòi hỏi cơ sở phải chuyên biệt với hệ thống đi lại, nhà vệ sinh, công trình phụ trợ…

Cần có những hỗ trợ cụ thể nhằm tăng thêm số doanh nghiệp tham gia hỗ trợ NKT. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, số doanh nghiệp tuyển NKT của năm 2016 ít đi so với năm trước.

Số người nhận được việc cũng còn khiêm tốn. “Ngày hội việc làm năm 2014, Trung tâm giới thiệu 178 NKT tới nhà tuyển dụng, nhưng số người có việc làm ổn định chỉ có khoảng 50%. Ngày hội việc làm năm 2015 chỉ nhận đơn tìm việc của 156 NKT nhưng tỉ lệ tìm được việc còn hạn chế” - bà Trinh cho biết.

Thông qua những ngày hội việc làm này, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh hy vọng là dịp để NKT biết thêm thông tin về các cơ sở dạy nghề, việc làm cũng như các chủ trương chính sách pháp luật về NKT được phổ biến rộng rãi hơn.

Tin liên quan:

Tổ chức ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật lần thứ 5

Chiều 11/4, tại Hà Nội, Hội LHTN TP và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu Ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật lần thứ 5 năm 2016 và kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội người Khuyết tật Hà Nội.

Theo đó, Ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật là dịp để tổ chức Đoàn, Hội và toàn xã hội tiếp tục thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng trong cuộc sống. đặc biệt là việc đào tạo, tư vấn, tuyển dụng lao động. Chương trình sẽ chính thức diễn ra vào ngày 15/4, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề với sự tham gia của 32 cơ sở dạy nghề, DN và dự kiến tuyển dụng 350 - 400 lao động và tuyển sinh học nghề khoảng 500 người. Đồng thời quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật. Tọa đàm “Mô hình doanh nghiệp tạo việc làm của người khuyết tật” và các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật. Tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao và các hoạt động khác của người khuyết tật.

K.T

Các mức trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật nặng

Theo Điều 16 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP, căn cứ theo mức độ khuyết tật, độ tuổi mà người khuyết tật được hưởng mức trợ cấp xã hội hàng tháng tương ứng như sau: Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em; Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với người khuyết tật nặng; Hệ số hai (2,0) đối với người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.

Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất. Người khuyết tật áp dụng hệ số tương ứng với mức độ khuyết tật của mình và nhân với mức chuẩn pháp luật quy định là 350.000đ/ người/ tháng sẽ được mức trợ cấp tháng của mình.

V.A

Hoàng Mạnh