Tạo cầu nối việc làm bền vững cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc

Một trong những quan tâm lớn của lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS khi hồi hương là tham gia thị trường lao động với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội... Đáp ứng nguyện vọng chính đáng này, nhiều năm qua, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm cầu nối cho nhiều lao động tìm được việc làm ổn định.

Tạo cầu nối việc làm bền vững cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc - 1

Yên tâm khi có cầu nối việc làm

Trở về nước sau hơn 4 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Lương Quốc Tuấn (25 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) háo hức tới dự Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội tổ chức sáng 11/4 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh), kết nối online với Trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội.

Tại Phiên Giao dịch việc làm, anh Lương Quốc Tuấn cho biết: “Tôi về nước được 2 tháng, nghe tin Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức HCVL tại Bắc Ninh và kết nối onlilne với nhiều tỉnh. Tôi đã đến dự và quan tâm tới 2 vị trí tuyển dụng của 2 công ty Hàn Quốc tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) và KCN Yên Bình (Thái Nguyên). Công ty đều cho biết sẽ đảm bảo đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế...Hy vọng đây là cơ hội để tôi có được việc làm ổn định”.

Đi cùng anh Lương Quốc Tuấn còn có 2 đồng nghiệp cũng mới từ Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, 2 đồng nghiệp này lại chọn vị trí tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hưng Yên và Bắc Ninh.

Đánh giá về công tác chuẩn bị và hiệu quả của các Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động từ Hàn Quốc về nước.

“Tham khảo các thông tin của Ban tổ chức, chúng tôi tìm thấy nhiều vị trí làm việc phù hợp tại không ít doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận Hà Nội, như: Phiên dịch sản xuất, tổ trưởng, thợ đứng máy… Tôi mong muốn được tuyển vào làm việc với mức lương tháng từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng” - Anh Trần Văn Tuy, một trong 2 đồng nghiệp trên nói.

Trong khi đó, tại đầu cầu tuyển dụng Hà Nội, ứng viên Nguyễn Thị Hải - một lao động mới từ Hàn Quốc về nước lại chọn công việc phiên dịch cho một doanh nghiệp Hàn Quốc tại tỉnh Hoà Bình.

Lý giải nguyên nhân, ứng viên Nguyễn Thị Hải nói: “Chương trình tuyển dụng online giúp chúng tôi có thêm thông tin ở nơi mình quan tâm. Tôi chọn một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng sang Hàn Quốc. Địa điểm làm việc tại Hoà Bình cũng gần vì có xe đưa đón, chưa kể công việc cũng tận dụng được vốn tiếng Hàn sẵn có”.

Tâm lý hào hứng đón nhận các cơ hội việc làm cho lao động về nước không chỉ thấy ở 4 điểm cầu trong Phiên GDVL ngày 11/4, điều này còn thấy rõ hơn ở các Phiên GDVL mới đây.

Cơ hội việc làm rộng mở

Đánh giá về cơ hội việc làm cho người lao động EPS về nước, Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - Nhân viên Nhân sự, Công ty TNHH Taixin Printing Vina cho biết: “Ở Việt Nam các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư rất nhiều, có nhiều cơ hội để lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước tìm được việc làm. Có thể thu nhập không cao bằng ở Hàn Quốc nhưng ở Việt Nam mức chi phí sinh hoạt cũng thấp mà các bạn lao động lại được ở gần gia đình. Tôi đánh giá khá tốt về những Hội chợ việc làm như thế này vì phần trăm tôi đạt được khi phỏng vấn cũng lên tới 70-80% so với các kênh tuyển dụng khác mà công ty chúng tôi đang sử dụng”.

Theo thống kê, thông qua các Phiên GDVL như trên, đã có nhiều người lao động EPS về nước được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Anh Nguyễn Đức Hà (ở Thanh Miện, Hải Dương), cho biết: “Sau khi về nước, với vốn tiếng Hàn và kinh nghiệm làm việc trong thời gian ở Hàn Quốc, tôi đăng ký tham dự HCVL cho lao động EPS về nước ngày 11/4 tại Bắc Ninh và đã được tuyển dụng vào vị trí phiên dịch kiêm kinh doanh cho Công ty Vina Sekyo, Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện nay mức thu nhập của tôi cũng khá, 15 triệu lương cứng, chưa kể các khoản thưởng và phụ cấp, mà tôi lại được ở gần gia đình”.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), để chuẩn bị cho các Phiên GDVL dành cho lao động từ Hàn Quốc về nước, Trung tâm đã lựa chọn những chỉ tiêu tuyển dụng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc. Qua đó tạo điều kiện để lao động có điều kiện phát huy kinh nghiệm, ngoại ngữ và tác phong làm việc công nghiệp.

Đánh giá chung về chỉ tiêu tuyển dụng trong các Phiên GDVL, bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, người lao động có thể lựa chọn nhiều vị trí như: Phiên dịch tại xưởng, thợ kỹ thuật, tổ trưởng sản xuất. Trong đó có những vị trí có mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng (phiên dịch)...

Cần tiếp nối

Nhận định về đội ngũ lao động Việt Nam hồi hương từ Hàn Quốc thông qua chương trình EPS, phát biểu tại Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS về nước ngày 16/5/2017 tại Hà Nội, kết hợp trao giải cuộc thi “Lao động EPS hồi hương thành công năm 2017”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan đánh giá cao yếu tố trình độ tay nghề và ý thức làm việc của người lao động:

“Qua thời gian làm việc gần 5 năm tại Hàn Quốc, những người lao động có khả năng giao tiếp và am hiểu văn hóa Hàn Quốc, cách thức làm việc của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Rất nhiều người khi về nước đã dùng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được để khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tuy nhiên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế: Vẫn còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, qua đó phát huy khả năng và kinh nghiệm đã tiếp thu được tại Hàn Quốc.

“Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ đào tạo bổ túc năng lực cho người lao động EPS sau khi về nước, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tìm việc làm. Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm nhằm giúp lao động tiếp cận với nguồn việc làm trong nước” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Ông Song Kil Yong, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD Việt Nam) đánh giá cao công tác tạo việc làm cho lao động Việt Nam hồi hương của Trung tâm Lao động ngoài nước thời gian qua.

“Các phiên giao dịch việc làm chủ yếu dành cho lao động Việt Nam đã làm việc theo kỳ hạn 4 năm 10 tháng tại Hàn Quốc. Tôi đánh giá họ đều có kinh nhiệm và tác phong làm việc, am hiểu văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc. Qua Hội chợ việc làm, người lao động EPS hồi hương có thêm cơ hội việc làm ngay tại các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây cũng là việc quảng bá cho lao động Việt Nam ở Hàn Quốc hiểu hơn về thị trường lao động Việt Nam” - ông Song Kil Yong nói.

Đồng quan điểm trên, tại Hội chợ việc làm ngày 16/5, ông Lee Hyuk - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - cũng nhấn mạnh, người lao động Việt Nam sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc đều có kinh nghiệm, hiểu văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc. “Nếu những người lao động này được tuyển vào các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chắc chắn họ sẽ đóng góp hữu ích cho công ty”.

V.L

Bình Dương: Doanh nghiệp cần tuyển gần 32.000 lao động

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở LĐ-TB&XH Bình Dương), trong những tháng đầu năm 2017, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là 31.959 người, trong đó số lao động phổ thông chiếm tới 81,9%.

Tạo cầu nối việc làm bền vững cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc - 2

Khảo sát của Trung tâm cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang tăng nhanh và hiện đã cao gấp đôi so với nhu cầu tìm việc. Thống kê tại Trung tâm, số người đế tìm việc các tháng đầu năm là 14.075 người. Để đáp ứng tình hình trên, Trung tâm DVVL tỉnh đã tích cực khảo sát số doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và người tìm việc để chủ động thông tin trong các phiên việc làm, đồng thời phân tích đánh giá cung cầu lao động, dự báo thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tổ chức điều tra, thu thập, tổng hợp về thông tin thị trường lao động, cập nhật phiếu điều tra cung - cầu lao động cho toàn tỉnh Bình Dương vào cơ sở dữ liệu cung cầu lao động. Điểm dễ nhận thấy ở nhóm lao động có trình độ trung cấp trở lên, phần lớn người lao động tìm việc làm ở các ngành tài chính, kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất ở các nhóm ngành kỹ thuật. Do vậy, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được người, người lao động đến tìm việc nhưng lại không phù hợp với công việc. Đó cũng là một thực tế “vừa thừa vừa thiếu” đáng báo động của thị trường lao động hiện nay.

V.T

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Bạn Trịnh Văn Đồng (Tuyên Quang) hỏi: Khi tham gia vào thị trường lao động, đối tượng nào sẽ bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Tạo cầu nối việc làm bền vững cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc - 3

Tại Điều 43, Luật Việc làm năm 2013 đã quy định rõ đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 43 cũng nêu rõ trường hợp người lao động y đang hưởng lương hưu hoặc làm giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, Điều 43 cũng quy đinh thêm về nhóm đối tượng sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

Việc làm