1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng năng suất lao động: DN chưa chọn cách ít tiền!

Để tăng năng suất lao động nhiều DN thường nghĩ ngay đến một khoản tiền lớn để mua máy móc, công nghệ hiện đại trong khi thường bỏ qua một cách làm “ít tiền” nhưng hiệu quả đó là tổ chức lại cấu trúc DN, nâng cao kỹ năng lao động, bố trí sản xuất khoa học.


Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai. Ảnh: Kinh tế đô thị

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai. Ảnh: Kinh tế đô thị

Câu chuyện ở Mabuchi Motor

Là DN 100% vốn đầu tư của Nhật Bản có mặt tại Biên Hòa, Đồng Nai từ năm 1996, công ty Mabuchi Motor chuyên sản xuất các loại Mô-tơ điện loại nhỏ dùng cho các ngành công nghiệp: xe hơi, điện tử, tự động... có 5.300 công nhân làm việc. Trong quá trình hoạt động, những bất cập, mâu thuẫn về điều kiện, môi trường làm việc cho công nhân đã dẫn tới một số vụ đình công cũng như tình trạng công nhân bỏ việc gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

Nhưng với việc triển khai cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo công ty Mabuchi Motor và đại diện công nhân, từ năm 2008, đã đem lại những cải thiện rõ rệt về điều kiện làm việc, góp phần tăng năng suất lao động.

Người lao động có cơ hội đối thoại với chủ sử dụng lao động 3 tháng một lần thông qua đại diện người lao động (được bầu hằng năm tại đại hội người lao động), và 1 tháng một lần thông qua công đoàn. Ngoài ra, ban giám đốc sẵn sàng tiếp xúc với người lao động bất cứ lúc nào khi có việc cần gấp, cũng như người lao động có thể gửi ý kiến vào các hộp thư trong nhà máy.

“Chúng tôi giờ đây có thể dễ dàng đối thoại trực tiếp với ban giám đốc. Điều này khiến cho những người lao động như tôi cảm thấy rằng tâm tư, nguyện vọng của mình luôn được lắng nghe, và mọi người không cần phải nghĩ đến đình công nữa”, chị Đồng Ngọc Trâm Anh, một lao động đã làm việc ở Mabuchi Motor được 13 năm, cho biết.

Ông Phạm Hoàng Đức Nam, Phó Giám đốc Mabuchi Motor chia sẻ: “Thông qua đối thoại, ban giám đốc thấy được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có thể đưa ra những phản ứng kịp thời, và đáp ứng thích hợp nếu những yêu cầu đó là thỏa đáng. Nhờ vậy, chúng tôi có thể ngăn chặn trước được đình công, giảm thiểu tổn thất đối với hoạt động sản xuất của công ty.”

Ông Nam cũng chỉ ra rằng năng suất lao động đã tăng lên 44% trong 6 năm từ 2008 đến 2014 và tỷ lệ công nhân thôi việc giảm từ 3% năm 2008 xuống còn 1% trong năm 2014.

Trường hợp của công ty Mabuchi Motor cho thấy so với đổi mới công nghệ việc tạo được sự thỏa mãn của người lao động đối với môi trường làm việc là yếu tố quan trọng không kém đóng góp vào việc tăng năng suất lao động.

Ảnh minh họa: Báo Đầu tư
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Hướng đi chưa được nhiều DN Việt chú ý

Trong một buổi hội thảo liên quan đến vấn đề nâng cao năng suất lao động hồi đầu tháng 3/2016 tại TPHCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, bên cạnh nguyên nhân về công nghệ, kỹ năng chuyên môn, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp do quản trị DN chưa tốt. Người lao động làm việc tại DN trong nước có năng suất thấp nhưng làm ở DN nước ngoài lại được đánh giá rất tốt. Điều này cho thấy DN Việt Nam có vấn đề về đào tạo, đãi ngộ, lương bổng, môi trường làm việc…

Ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự L&A phân tích: “Những nghiên cứu của L&A chỉ ra rằng có những yếu tố tác động đến năng suất lao động DN cần phải xem xét lại, như cấu trúc tổ chức của DN, kỹ năng của người lao động, bố trí lao động sản xuất khoa học”. Chỉ riêng yếu tố cấu trúc tổ chức của DN, một nghiên cứu mới đây của L&A với 100 DN đã niêm yết lên sàn chứng khoán cũng rất đáng quan tâm.

Theo đó, khoảng 67% cơ cấu DN được xây dựng đơn tuyến và cồng kềnh, theo chức năng nhiều; năng suất của bộ phận gián tiếp không hiệu quả; 90% các hệ thống chức danh (chức danh của công việc) tùy tiện, không theo nguyên tắc nào. Điều này làm phát sinh thêm lao động đồng nghĩa với việc năng suất lao động giảm.

Ngoài ra, tại nhiều DN, các vị trí lao động sắp sếp theo liệt kê đầu công việc, không phân tích, không sát thực tế; quy trình làm việc gần như không cập nhật với các chỉ số: 85% không cập nhật, cải tiến quy trình làm việc hàng năm; 98% đào tạo kỹ năng cho nhân viên dưới 48 giờ/năm.

Những số liệu thống kê này cho thấy, việc nâng cao trình độ khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh của DN còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhưng vai trò của yếu tố tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý lại phụ thuộc nhiều vào ý chí của bộ máy quản lý, điều hành DN. Như vậy việc tổ chức lao động khoa học hợp lý không cần thiết phải chi phí tốn kém nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nếu người đứng đầu đơn vị, DN quan tâm, tổ chức thực hiện.

Có cùng quan điểm với hai ý kiến trên, tại lễ phát động giải thưởng về nhân sự Vietnam HR Awards 2016 (ngày 29/3), ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt vấn đề: “Năng suất lao động tại Việt Nam thấp, điều này đã được nói đi nói lại nhiều lần, nhưng tôi có cảm tưởng mỗi khi nói điều này, các luồng suy nghĩ lại hướng về đổ lỗi cho người lao động, đó là điều vô lý. Còn rất nhiều yếu tố khác khiến năng suất lao động thấp: cách đào tạo nghề, quản trị nhân lực, áp dụng công nghệ trong sản xuất…”.

Trả lời cho “nghịch lý” được ông Hùng nêu ra, ông Kazuteru Kuroda, chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm Năng suất Nhật Bản nhấn mạnh: Đổi mới công nghệ là yếu tố rất quan trọng đóng góp vào việc tăng năng suất lao động, nhưng việc tạo được sự thỏa mãn của người lao động đối với môi trường làm việc mới là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào việc tăng năng suất lao động và tạo nên sự khác biệt của sản phẩm.

Sau đợt khảo sát một số DN Việt Nam hồi đầu tháng 5/2016, ông Kazuteru Kuroda cho biết: Ở một công ty trong nước chuyên sản xuất quạt hút công nghiệp thời gian thực hiện một sản phẩm như vậy là 20 ngày. Sau khi trao đổi với ban lãnh đạo, đoàn chuyên gia đánh giá nếu cải thiện năng suất lao động theo cách của chúng tôi đưa ra thì thời gian để sản xuất có thể giảm 1 nửa.

Như vậy, có thể tiền lương nhân viên công ty đó sẽ tăng gấp đôi, hoặc họ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, hoặc công ty sẽ tăng được lợi nhuận bán hàng do tiết kiệm chi phí. Nhưng đổi lại, công ty sẽ phải đầu tư chỗ nghỉ trưa, ăn trưa, khu vui chơi, tập thể dục… Song có thể khẳng định rằng, việc tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của công ty sẽ bù đắp được chi phí tăng lên mà công ty phải chi để cải thiện môi trường lao động.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sắp hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thay đổi quản trị là yếu tố sống còn đối với DN. Trong đó, tối ưu hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động là yêu cầu hàng đầu. Nhưng để tăng năng suất lao động, trước hết DN phải tự nâng cao khả năng quản lý, cải tiến năng suất lao động.

Theo Phương Nguyên/Chinhphu.vn