Tăng lương tối thiểu vùng năm 2017: Đừng để tạo… nghịch lý

Sau khi DĐDN đăng bài: “Tăng lương tối thiểu vùng 2017: có thể bằng 60% lương trung bình” ngày 24/3/2016, trả lời phỏng vấn, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: Tiền lương thực tế của Việt Nam đang tăng cao hơn GDP và năng suất lao động.

Ông Lợi cho biết, tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm, đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) là một nghịch lý.

– Nhưng trên thực tế, VN đã nhiều lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo hướng tăng nhưng mức tăng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, thưa ông?

Đúng như vậy, 2 năm vừa qua chúng ta đã tăng lương tối thiểu liên tục và mức tăng đều trên 12%, nhưng thực chất, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, do đó vẫn phải tiếp tục điều chỉnh để thực hiện mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, cần thấy rằng, tăng lương tối thiểu có quan hệ trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu được xác định hài hòa giữa yếu tố đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN.

Do vậy, cần phải có sự thương lượng giữa tổ chức đại diện người lao động (công đoàn), tổ chức đại diện người sử dụng lao động và nhà nước để xác định mức tăng hợp lý nhằm bảo đảm cho DN tồn tại phát triển, tạo mở và ổn định việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người lao động và phải coi đây là mối quan hệ tác động qua lại để cùng tồn tại và phát triển


Ông Bùi Sĩ Lợi

Ông Bùi Sĩ Lợi

– Trên thế giới, những nước có điều kiện tương tự như VN, họ xử lý vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Vấn đề lương tối thiểu là một tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, được áp dụng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Điều này được quy định cụ thể trong 2 công ước quan trọng của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là Công ước số 95 về Bảo vệ Tiền lương và Công ước số 131 về Ấn định Lương tối thiểu (hiện nay, VN mới đang nghiên cứu phê chuẩn 2 công ước này).

Ở các nước, trong đó có VN, lương tối thiểu là công cụ hữu hiệu để bảo vệ người lao động, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế, cơ chế để xác định mức tăng tiền lương tối thiểu dựa trên thương lượng giữa tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước – trong quan hệ lao động, gọi là cơ chế 3 bên để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước.

VN đã xác lập được cơ chế này thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia được quy định trong Bộ Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, lương tối thiểu không phải là công cụ duy nhất để xác lập tiền lương trên thị trường, đặc biệt là tiền lương thực tế của người lao động vì nhiều người lao động có kỹ năng, tay nghề sẽ nhận được mức tiền lương thực tế cao hơn tiền lương tối thiểu.

Vì vậy, ở các quốc gia bên cạnh cơ chế pháp lý xác lập tiền lương tối thiểu phải xác lập đồng thời cơ chế pháp lý về thương lượng tập thể giữa người lao động, người sử dụng lao động để xác lập mức lương thực tế gắn với năng suất lao động, nhu cầu sống của người lao động và năng lực cạnh tranh của DN.

Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm)

– Vậy theo ông, tại VN, cơ chế pháp lý cho thương lương tập thể liệu đã đáp ứng kỳ vọng?

Chúng ta đã đáp ứng được cả 2 yếu tố xác lập tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể nhưng chưa đầy đủ. Hiện VN mới xác định được mức lương tối thiểu vùng để bảo vệ người lao động yếu thế và có cơ chế đối thoại, thương lượng về tiền lương tối thiểu 3 bên nhưng cần quan tâm xử lý hài hòa hơn mối quan hệ giữa yếu tố đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động với yếu tố tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường hiệu quả của cơ chế thương lượng tập thể để xác lập mức tiền lương thực tế trả cho người lao động tốt hơn trên cơ sở quy định về tiền lương tối thiểu vùng.

– Trước thềm cuộc họp tăng lương tối thiểu vùng 2017, không ít DN, đặc biệt là DN sử dụng nhiều lao động cho rằng, năng suất lao động hiện tăng rất chậm, trong khi tỉ lệ tăng lương tối thiểu thì nhanh, do đó sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng như vậy! Tiền lương tối thiểu có quan hệ với mức sống tối thiểu, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Xử lý hài hòa vấn đề này là không dễ dàng đối với tất cả các quốc gia. Tiền lương thực tế của nước ta tăng bình quân 8%/năm nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế và tiền lương khu vực làm công ăn lương tăng bình quân 12,2%/năm nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (khoảng 4,2%/năm) là một nghịch lý.

Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm an sinh xã hội nhưng tăng trưởng kinh tế lại chậm, thiếu bền vững là do chủ yếu dựa vào vốn và lao động (yếu tố vốn là 52-53% và yếu tố lao động là 19-20%). Điều này cho thấy, khả năng cạnh tranh của chúng ta là thấp, vì chi phí nhân công của ta chiếm khoảng 18,3% trong giá thành sản phẩm, cao hơn khu vực ASEAN (16,8%).

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, tiền lương, tiền lương tối thiểu có đủ đáp ứng nhu cầu sống cơ bản của người lao động và gia đình họ hay không sẽ quyết định việc người lao động có đủ nuôi sống gia đình mình và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai. Nếu mức lương tối thiểu và mức tiền lương thực tế thấp thì người lao động sẽ không đủ năng lực tài chính để đầu tư cho tái sản xuất sức lao động và giáo dục, học hành của thế hệ tương lai.

Do vậy, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy tăng thu nhập, tiền lương cho người lao động.

– Theo quan điểm của ông, năm 2017 mức tăng lương tối thiểu vùng nên đạt ở bao nhiêu phần trăm là hợp lý?

Việc tăng lương cụ thể ở mức nào cho phù hợp thì các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia phải tính toán, thỏa thuận với nhau xem mức nào là phù hợp. Nhưng lưu ý rằng, bước đi thế nào thì cũng phải đảm bảo đúng lộ trình là năm 2017 phải tăng được 30% so với hiện nay.

– Tuy nhiên, tại VN, các nghiên cứu tính toán về tiền lương chưa được công khai và các cuộc đàm phán về tiền lương đều họp kín. Điều này có ảnh hưởng tới vấn đề minh bạch trong quản lý, thưa ông?

Theo tôi, nên mở rộng thành phần tham gia trong Hội đồng tiền lương quốc gia, theo đó, cần có những chuyên gia, các nhà kinh tế hiểu biết về tiền lương, có một số DN, một số người lao động. Như vậy, Hội đồng sẽ tăng thêm tiếng nói, tăng phản biện để có thể quyết định một mức lương mà xã hội chấp nhận được.

Ngoài ra, trong các đề xuất dự thảo về tăng tiền lương, tôi cho rằng, nếu lấy được càng nhiều ý kiến sẽ càng tốt để tham khảo. Nếu tôi là Chủ tịch Hội đồng tiền lương, tôi sẵn sàng lấy ý kiến của tất cả các người có liên quan, kể cả cơ quan truyền thông. Còn việc tiếp thu, phân tích do Hội đồng quyết định.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Mai/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp