1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng lương tối thiểu liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp

Với mức tăng lương tối thiểu 12,4%, các doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm cách để tăng năng suất lao động, đầu tư đổi mới công nghệ, giải quyết vấn đề áp lực tăng chi phí.

Ảnh minh họa - TTXVN
Ảnh minh họa - TTXVN

Lo giá tăng theo lương

Làm tại xưởng cơ khí của Công ty HONG IK Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được 4 năm, công nhân Lê Văn Lê (quê Nghệ An) cho biết: "Hai vợ chồng tôi cùng làm ở công ty này, tháng nào cũng đăng ký tăng ca mà thu nhập cũng chỉ khoảng 11 triệu đồng. Tiền thuê nhà, tiền gửi con, tiền ăn, chi phí sinh hoạt tằn tiện lắm mới đủ chứ chẳng để ra được đồng nào. Con còn nhỏ mà không có tiền dự trữ nên tháng nào cháu bị ốm là chúng tôi khổ sở vô cùng, kiểu gì tháng sau cũng phải bớt ăn, bớt tiêu bù lại cho bằng được".

Theo anh Lê, hầu hết công nhân trong công ty anh đều theo dõi rất sát diễn biến của quá trình thương lượng và hơi buồn khi biết mức tăng không được như mong đợi.

Còn với chị Phạm Thị Thanh Tuyền, công nhân Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Huê (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ hy vọng số tiền tăng thêm lần này sẽ để dành được, hoặc ít ra cũng là cứu cánh cho những “sự kiện” đột xuất của gia đình.

Chị Tuyền cho biết, hầu hết anh em công nhân trong công ty đều rất mừng trước thông tin sẽ được tăng lương tối thiểu, ai cũng bảo dù ít dù nhiều nhưng cứ tăng là được, góp phần bớt chút khó khăn trong cuộc sống.

“Lương của tôi cộng cả tiền tăng ca, tiền chuyên cần rồi phụ cấp cũng chỉ được chừng 5 triệu đồng/tháng. Tính toán lắm đầu mới đủ gói ghém chi tiêu trong số tiền 9 triệu của hai vợ chồng. Đấy là tôi còn được công ty hỗ trợ vì gửi con ở nhà trẻ của công ty. Hồi sinh con tôi cũng không dám nghỉ đủ 6 tháng mà xin đi làm trước vì nghỉ ở nhà thì lấy đâu ra tiền mà nuôi con”, chị Tuyền chia sẻ.

Tuy nhiên, niềm vui vì được tăng lương thì nhỏ mà nỗi lo giá cả tăng theo lương thì lớn. Cả anh Lê, chị Tuyền và nhiều công nhân khác không giấu nổi nỗi lo lắng, chia sẻ: "Mấy lần rồi, cứ lương tăng là giá tăng theo. Từ giá nhà trọ đến giá điện, nước, thực phẩm đều tăng. Cũng mong Nhà nước có biện pháp để ổn định giá chứ lương tăng không kịp giá thì tăng lương chẳng có ý nghĩa".

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các Khu chế xuất - khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đều đồng ý với mức tăng lương tối thiểu 12,4%.

"Chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực không nhỏ khi lương tối thiểu tăng, nhưng theo tôi, chăm lo, cải thiện đời sống người lao động là việc phải làm bởi đảm bảo cho cuộc sống tốt hơn lên họ mới an tâm làm việc, cống hiến, khi đó doanh nghiệp mới phát triển được”, ông Bé cho biết.

Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng

Đề cập tới chuyện tăng lương tối thiểu, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Tài chính Công ty Cổ phần sản xuất - thương mại May Sài Gòn cho biết, với mức tăng lương tối thiểu 12,4%, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nặng nề nhất là chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tăng, do từ 1/1/2016, định nghĩa lương thay đổi, sẽ bao gồm cả phụ cấp và khoản bổ sung khác.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Liên, giá nguyên liệu đầu vào ngành may mặc thời gian tới được dự báo sẽ tăng cũng khiến gánh nặng trên vai doanh nghiệp tăng thêm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, công ty đã phải bù thêm gần 12 tỷ đồng để đảm bảo thu nhập cho công nhân.

“Dù chưa tổ chức một cuộc họp nào sau khi Hội đồng tiền lương chốt mức tăng 12,4%, nhưng chắc chắn công ty sẽ phải đưa ra những giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh để vừa đảm bảo đời sống của 4.500 lao động, vừa thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp”, bà Liên cho biết.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng dự báo, việc tăng lương tối thiểu liên tục trong vài năm gần đây khiến cho lợi thế về “giá nhân công rẻ” ở Việt Nam không còn và nguy cơ xuất hiện tình trạng chuyển dịch các dự án đầu tư về dệt may sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn trong khu vực.

Ngành dệt may Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao và thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài cũng là nhờ vào giá nhân công rẻ. Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành này.

Trước áp lực tăng lương, tăng chi phí trong năm 2016, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Huê đã bắt đầu phải tính đến các giải pháp để đảm bảo đời sống của hơn 300 công nhân trong công ty. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng Tiếp thị và Xuất nhập khẩu, Công ty Vĩnh Huê, bên cạnh việc duy trì các hoạt động để tiết kiệm chi phí, công ty sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua, kêu gọi công nhân tham gia các chương trình, cuộc thi sáng kiến hữu ích tìm ra những cách làm mới vừa tăng năng suất lao động, vừa hạn chế phế phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bé cũng cho rằng, để có nguồn kinh phí chăm lo cho đời sống của người lao động, doanh nghiệp cần tiếp tục tiết kiệm, giảm chi phí, đồng thời đẩy mạnh tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đời sống người lao động được cải thiện sẽ khiến họ phấn chấn, có động lực làm việc, năng suất lao động sẽ tăng và khi đó doanh nghiệp không còn phải đau đầu trước bài toán tăng lương.

Theo baotintuc.vn