1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng giờ làm thêm: Lợi hay hại?

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giờ làm thêm là vấn đề ảnh hưởng đến nhiều đối tượng nên cần cân nhắc kỹ.

Tăng giờ làm thêm của lao động từ 200 giờ lên đến tối đa 400 giờ/năm là một trong những nội dung nhận được nhiều sự chú ý nhất của Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ngày 29/5. 

Theo đó, những ngành được điều chỉnh tăng giờ làm thêm là dệt may, da giày, điện tử. Đây chủ yếu là những ngành sản xuất, chế biến, lắp ráp mang tính thời vụ. Các hợp đồng với khối lượng hàng lớn thường dồn vào một số tháng trong năm. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chấp nhận vi phạm pháp luật để kịp tiến độ giao hàng.

Tăng giờ làm thêm: Lợi hay hại?

Số giờ làm thêm tối đa tính theo ngày, theo tháng không thay đổi, mỗi lao động không làm thêm quá 4 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm trong 1 năm tăng lên đáng kể, với những ngành đặc thù có thể tăng lên đến không quá 400 giờ/năm.

Một số điều kiện để doanh nghiệp được tăng giờ làm thêm là có sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Người lao động phải có ít nhất 12 giờ nghỉ ngơi giữa hai ca làm việc; Không huy động trong thời gian dài, liên tục.

Tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với việc thu nhập cũng tăng. Đây chắc chắn là điều lao động nào cũng muốn. Đối với các doanh nghiệp, việc tăng giờ làm, đặc biệt là ở những ngành mang tính thời vụ như chế biến nông lâm thủy sản sẽ giúp đảm bảo tiến độ công việc. 

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đang là nước có số giờ làm thêm tối đa thấp nhất. Ví dụ, nếu tính theo tháng thì tại Việt Nam không quá 30 giờ/tháng trong khi đó Singapore là 72 giờ/tháng; thậm chí Philippines không khống chế giờ làm thêm.

Theo kết quả điều tra của Công đoàn Lao động, có tới 80% người lao động có mong muốn làm thêm giờ để cải thiện cuộc sống. Còn với các doanh nghiệp, nếu không có thông tin đẩy đủ về số giờ tăng ca hàng tháng thì rất khó tuyển lao động. 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của việc tăng giờ làm thêm thì vẫn còn những băn khoăn từ các chuyên gia lao động, chủ yếu liên quan đến khả năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam.

Thứ nhất, liệu sức khỏe của người lao động có đảm bảo.

Thứ hai, quyền tự quyết của người lao động nếu như họ không có nhu cầu mà bị chủ doanh nghiệp ép buộc do đã có quy định tăng giờ làm thêm thì tình trạng tan vỡ trong mối quan hệ chủ - tớ rất dễ xảy ra.

Ngoài những nguyên nhân trên, một số vấn đề khác cũng được đặt ra đó là tăng giờ làm, doanh nghiệp sẽ không có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động mới. Hoặc doanh nghiệp có thể sẽ yêu cầu người lao động tăng ca quá nhiều do không bị giới hạn về thời gian. Từ phía người lao động, tăng giờ làm rất có thể làm giảm năng suất lao động do người lao động hưởng lương theo thời gian chứ không theo sản phẩm.

Theo VTV.VN