1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân mua bán người

(Dân trí) - “Từ năm 2016 - 2018, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 282 nạn nhân bị mua bán trở về. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã giải cứu và tiếp nhận 34 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới do phía Trung Quốc giao trả…”.

Đây là báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh) về công tác tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại Hội thảo “Công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. 

Chương trình do Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 30/8, tại Hà Nội.

Nhiều khó khăn

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng gặp không ít khó khăn và những tồn tại.

Tăng cường nhiều giải pháp hỗ trợ nạn nhân mua bán người - 1

Nhiều nạn nhân của tình trạng mua bán người được hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Ảnh: Internet

Đặc thù của tỉnh Quảng Ninh là có đường biên với giáp Trung Quốc dài. Người dân các vùng giáp danh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức còn nhiều hạn chế, lạc hậu. Vì vậy, nguy cơ mua phát sinh tội phạm bán người và người dân dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Trong việc kết hợp trao trả, phía nước ngoài thường thông báo việc trao trả nạn nhân rất gấp hoặc không nêu cụ thể về thời gian trao trả nên các lực lượng tiếp nhận không chủ động có kế hoạch phối hợp để tiếp nhận.

Một số trường hợp nạn nhân có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường bố trí chuyến bay cho họ về nước mà không thông báo cho cơ quan xuất nhập cảnh để tiếp nhận theo quy định.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh, khi trao trả qua cửa khẩu đường bộ, phía nước ngoài thường trao trả lẫn lộn cả nạn nhân và người cư trú trái phép, không trao đổi cụ thể nên việc tiếp nhận kéo dài do phải phỏng vấn sơ bộ để phân loại, xác định ai là nạn nhân bị mua bán.

Trong khi đó, điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp nhận nạn nhân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn (cơ sở vật chất cho công tác tiếp nhận nạn nhân ban đầu tại các trạm biên phòng, công an cấp huyện, xã còn thiếu và hạn chế); kinh phí để tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo định mức tài chính quy định của Nhà nước hiện nay còn hạn hẹp.

Do tâm lý mặc cảm nên có người là nạn nhân bị mua bán đã trở về (tự trở về) song không thông tin cho chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng nên khó cho công tác tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho nạn nhân; hoặc dược các cơ quan chức năng đưa về song không muốn tiếp xúc và không muốn nhận hỗ trợ.

Tăng cường nhiều giải pháp

Thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh, giai đoạn 2016 - 2018, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng tiếp nhận 282 nạn nhân bị mua bán trở về (255 phụ nữ, 27 trẻ em).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã giải cứu và tiếp nhận 34 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới do Thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc giao trả, trong đó có 1 nạn nhân là người Quốc tịch Camphuchia, 02 cháu bé sơ sinh, và 31 người là phụ nữ tỉnh ngoài, không có nạn nhân thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi tiếp nhận, 100% nạn nhân đã được lực lượng chức năng tư vấn để họ ổn định tâm lý, tinh thần và hỗ trợ một phần tiền tàu xe, sinh hoạt trở về địa phương đoàn tụ gia đình, ổn định cuộc sống hoặc chuyển gửi cho một số tổ chức phi chính phủ quan tâm đến hỗ trợ nhân.

Đối với số nạn nhân có hộ khẩu tỉnh Quảng Ninh, khi trở về đã được ngành Lao động - TB&XH phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và tái hoà nhập cộng đồng.

Thòi gian qua, Sở LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng Phòng, chống ma túy, tội phạm - Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật, tổng hợp số liệu nạn nhân bị mua bán trở về để kịp thời thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, hòa nhập cộng đồng.

Chi cục cũng trực tiếp triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở như: Quyết định hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức hoạt động truyền thông, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các hội thảo trao đổi ý kiến nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Kết hợp với các đơn vị, địa phương nắm tình hình lao động dịch chuyển qua biên giới làm việc trái phép, tham mưu và triển khai Bản ghi nhớ hợp tác quản lý lao động qua biên giới phòng, chống di cư trái phép đi lao động thời vụ giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm mua bán người.

Đồng thời, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Quảng Ninh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về…

Thực hiện đồng bộ

Giai đoạn 2016-2019 (tính đến 30/6/2019), Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã:

Tổ chức 123 hội nghị triển khai kế hoạch, tư vấn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong đó lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tới 106.024 lượt người dân, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn toàn tỉnh;

Biên soạn, in và phát miễn phí 144.000 tờ rơi, tờ gấp về phòng chống tệ nạn xã hội trong đó có nội dung về phòng chống tội phạm mua bán người và hỗ trợ cho nạn nhân vị mua bán;

In, phát miễn phí 5.800 sách mỏng, sổ tay hướng dẫn sinh kế, sinh hoạt nhóm cho nhóm phụ nữ bán dâm và nạn nhân bị mua bán trở về, địa chỉ tin cậy cho nhóm phụ nữ yếu thế.

Chuyển tải hơn 300 cuốn sách “Hỏi đáp về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”, 500 tờ gấp “Văn phòng hỗ trợ nạn nhân, địa chỉ hỗ trợ nạn nhân” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các tổ chức xã hội, phi chính phủ đến người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

Phan Minh