Tác động kép của tăng 5,5% lương tối thiểu

Mặc dù phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020 đã được chốt mức 5,5%, tuy nhiên đại diện người sử dụng lao động cho biết “chưa thực sự đồng tình”.

Trao đổi với PV, Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá mức điều chỉnh này sẽ gây tác động “kép” cho doanh nghiệp.

Tác động kép của tăng 5,5% lương tối thiểu - 1

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông đánh giá thế nào về phương án điều chỉnh tăng 5,5% lương tối thiểu vùng 2020 ngay ở phiên đàm phán thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia?

- Phương án điều chỉnh tăng 5,5% lương tối thiểu vùng năm 2020 được 84,6% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất thông qua sau một phiên đàm phán tương đối căng thẳng với nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau.

Cá nhân tôi cảm thấy “chưa thực sự đồng tình” với kết quả này, bởi các phân tích liên quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh, khả năng chi trả của doanh nghiệp và nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đào tạo lại lao động,... cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu nhiều sức ép.

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam vừa được công bố mới đây cũng cho thấy, trong năm 2018 chúng ta có 131.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có đến 106.000 doanh nghiệp “chết”. Như vậy cứ 3 doanh nghiệp ra nhập thì có tới 2 doanh nghiệp “rời bỏ” thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp vừa cần nâng cao năng lực mà vẫn phải nâng cao mức sống cho người lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Kết quả nghiên cứu trước đó của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chỉ ra, lương tối thiểu năm 2019 đã đáp ứng 95% mức sống tối thiểu. Do đó, nếu năm 2020, chúng ta tăng dưới 5% thì chúng ta không đạt được yêu cầu của Nghị quyết 27.

Tác động kép của tăng 5,5% lương tối thiểu - 2

Cứ 1% lương tối thiểu tăng lên sẽ kéo theo 10% chi phí lao động của doanh nghiệp tăng.

Nhưng cũng cần phải nói rõ, mức tăng trên 5%, thậm chí trên 4% là rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, có thể thấy mức tăng 5,5% là mức cao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm đi nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh cao khi hội nhập, việc tăng lương tối thiểu vùng mức cao sẽ là tác động “kép” với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực gấp bội.

Tác động “kép” ở đây cụ thể là gì, thưa ông?

- Tác động đội chi phí là trước tiên. Bởi theo nghiên cứu khảo sát của Tổ chức đại diện người sử dụng lao động cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đã chi trả mức lương tối thiểu 2019 tăng thêm tới trên 6%, vượt xa mức điều chỉnh tăng 5,3% của Hội đồng Tiền lương trước đó. Và cứ 1% lương tối thiểu tăng lên sẽ kéo theo 10% chi phí lao động của doanh nghiệp tăng.

Cùng với đó, lương tối thiểu vùng đang bị “khoác” quá nhiều vai. Hiện, mức chi phí của doanh nghiệp cho các khoản đóng góp như BHXH, phí công đoàn, chi phí khác đã ở mức 35%.

Như vậy, khi chúng ta tăng 5,5% lương tối thiểu thì chi phí của doanh nghiệp sẽ bị “đội” lên rất lớn. Chắc chắn sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp có thêm áp lực cạnh tranh từ các thị trường, đồng thời việc thực hiện các cam kết về lao động đã được ký kết trong các Hiệp định như CPTPP và EVFTA sẽ một lần nữa làm phát sinh chi phí. Như vậy, chi phí tuân thủ các quy định trong FTA cùng áp lực tăng lương tối thiểu vùng sẽ là áp lực “kép” cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chi phí tăng khiến doanh nghiệp rời bỏ thị trường là điều chúng ta phải chấp nhận. Đây có thể coi là sự sàng lọc tự nhiên trong tiến trình hội nhập, đây cũng là “cái giá” của hội nhập mà chúng ta không có cách nào khác là phải nỗ lực hơn.

- Doanh nghiệp phải chuẩn bị ứng phó thế nào với những tác động trên, thưa ông?

Tôi cho rằng, doanh nghiệp phải tính đến bài toán cơ cấu lại sản xuất tiết giảm chi phí một cách tối đa để phục vụ cho việc tăng lương, thậm chí là giảm lao động. Chúng tôi đã khuyến nghị với Hội đồng về có thể một bộ phận người lao động được tăng lương nhưng một bộ phận lao động khác mất việc làm. Đây là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra.

Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, đổi mới khoa học công nghệ cũng như có chính sách đào tạo tay nghề phù hợp để tăng năng suất, đáp ứng được yêu cầu hội nhập của chính doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chương trình nâng cao năng lực cụ thể cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động cụ thể như đào tạo, cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến pháp luật…Chúng tôi cũng khuyến nghị các chủ doanh nghiệp nên có bộ phận nghiên cứu thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp