Sự thật về "175.000 việc làm" do Grab tạo ra

Tại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab, ông Jerry Lim - người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Grab Việt Nam - cho rằng Grab đã tạo ra công ăn việc làm cho 175.000 lao động là lái xe, bao gồm GrabCar và GrabBike.

Với tôn chỉ, mục đích "Luôn đồng hành vì đời sống và việc làm của bạn", Báo Người Lao Động hết sức quan tâm đến con số này nên vào cuộc tìm hiểu.

Thực tế là, dù 175.000 người lao động là con số rất lớn, nhưng phải xem họ là ai, chế độ an sinh xã hội dành cho họ như thế nào?

Trong 175.000 người lao động mà Grab cho là đã được họ tạo công ăn việc làm, hầu hết là người lao động đăng ký chạy GrabBike; là những người vay nợ ngân hàng, cầm cố nhà đất để mua xe ô tô chạy Grab với hy vọng sẽ "đổi đời".

Chính vì vậy mà số lượng xe gia nhập chạy Grab trên địa bàn TP HCM tăng chóng mặt. Theo số liệu của Sở GTVT TP HCM cung cấp cho TAND TP HCM, chỉ từ tháng 10-2017 đến tháng 3-2018, số lượng xe đăng ký chạy Grab tăng vọt từ 17.050 xe lên 34.880 xe. Tại tòa, khi đại diện VKSND TP HCM hỏi đại diện Grab trong số hàng chục ngàn xe chạy Grab có bao nhiêu là xe mới, xe mua từ tiền vay ngân hàng, Grab không trả lời được.

Việc ồ ạt mua xe mới từ tiền vay ngân hàng để chạy Grab tiềm ẩn những rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Công ăn việc làm có tăng nhưng không mang tính bền vững. Với số lượng xe gia nhập Grab ngày càng đông, "miếng bánh" của Grab bị chia nhỏ thêm, lái xe bị giảm sút thu nhập do sự cạnh tranh khốc liệt. Gánh nặng nợ ngân hàng là một áp lực rất lớn đối với những người vay tiền mua xe chạy Grab, mỗi ngày họ phải trả lãi lẫn gốc. Vì thế họ phải "cày" mới mong đủ bù chi phí. Biết "cày" đến bao giờ?

Nhiều người bỏ quê lên TP HCM chạy Grab cũng với hy vọng "đổi đời". Theo số liệu của các ngành chức năng, chỉ tính đến tháng 10-2017, đã có gần 5.000 ôtô mang biển kiểm soát các tỉnh vào TP HCM chạy Grab.

Một nền kinh tế có bền vững không khi người lao động rời bỏ công việc ở nhà máy, xí nghiệp, công sở - nơi tạo ra vật chất cho xã hội - để "chạy Grab?", các em sinh viên thay vì dành thời gian cho việc học hành, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thì lại tập trung vào "chạy Grab". Chạy ngày không đủ, tranh thủ chạy đêm và họ trở thành mục tiêu tấn công của bọn cướp, như vừa qua chúng ta đã thấy.

Ai rồi cũng có lúc ốm đau, bệnh tật. Lúc đó ai lo cho họ? Grab lo hay Bảo hiểm xã hội lo? Vì dù Grab quản lý tài xế, xử phạt lái xe đúng nghĩa một "ông chủ" nhưng giữa Grab và lái xe không hề tồn tại một hợp đồng lao động nào. Cho nên, Grab dẫu tự vỗ ngực rằng đã tạo ra việc làm cho 175.000 lao động nhưng không hề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là lái xe chạy Grab. Tại phiên tòa, luật sư đại diện cho Vinasun đã hỏi vấn đề này nhưng Grab không trả lời được.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên. Đối với bảo hiểm y tế, người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm đóng cho người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Luật Việc làm cũng bắt buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động có hợp đồng từ 3 tháng trở lên.

Đây là quy định về để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, nhất là khi họ thất nghiệp, đau ốm hay nghỉ hưu. Thế nhưng, những chính sách về phúc lợi xã hội, doanh nghiệp nào cũng phải có trách nhiệm với người lao động, còn Grab đối với lái xe thì không. Giữa Grab và lái xe về mặt pháp luật không tồn tại quan hệ lao động, dù thực tế Grab là "ông chủ" thật sự của lái xe.

Vậy thì, việc Grab tự hào tạo ra 175.000 việc làm cho người Việt Nam, thực tế không mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế và chính người lao động. Có lẽ, được lợi nhất chính là Grab, khi phí chiết khấu của họ tăng dần đều qua các lần điều chỉnh và hiện nay là 28,6%/doanh thu cước phí vận chuyển.

Các cơ quan chức năng nên nhanh chóng bịt lỗ hổng pháp luật này để người lao động "chạy Grab" có cơ hội được hưởng các chính sách an sinh xã hội như những người lao động khác.

Theo Kinh Hữu/Báo Người lao động