Sinh viên trường Y: Áp lực như đi trực?

Sáng đi lâm sàng, chiều học lý thuyết đến tối đi trực ở bệnh viện là chuyện diễn ra như cơm bữa đối với sinh viên học Y đa khoa từ năm 3 trở lên. Thời gian trực thường kéo dài từ 6 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Nếu là ngày lễ hoặc thứ 7, chủ nhật, sẽ trực cả ngày. Tốn nhiều thời gian, nhưng đó không phải là khó khăn duy nhất các bạn sinh viên Y phải trải qua khi đi trực tại các bệnh viện.

Sinh viên trường đại học Y dược Cần Thơ đang thực tập (ảnh minh họa)
Sinh viên trường đại học Y dược Cần Thơ đang thực tập (ảnh minh họa)

Áp lực về thời gian trực

Mất một tiếng đến một tiếng rưỡi để bắt 2 chuyến xe bus từ trường tới bệnh viện Việt Đức đi trực, Oanh – sinh viên Y3 khoa Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội khẳng định: Việc gì thì việc, đi trực luôn luôn là việc được ưu tiên hàng đầu: “Học xong buổi chiều ở trường là phải đi luôn, nhiều khi là phải xin thầy về trước, dù môn học trên trường quan trọng như thế nào thì việc đi trực vẫn phải quan tâm trên hết. Đi ra bắt xe bus đến Việt Đức, nếu không tắc đường sẽ mất khoảng một tiếng, còn tắc đường thì phải mất một tiếng rưỡi. Không biết có kịp giờ trực không nên mình phải đi sớm. Đến viện rồi mới dám tính đến chuyện ăn uống, sợ ăn trước lại muộn”.

Với các bạn sinh viên Đại học Y Hà Nội, khi đi trực ở bệnh viện Việt Đức, họ phải có mặt từ 6 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Nếu là ngày lễ hoặc thứ 7, chủ nhật sẽ trực cả ngày. Một tua trực khoảng 30 người, chia ra làm 4 phòng: phòng tiếp đón, hai phòng hồi sức và một phòng lưu. Tất cả mọi người đều trực từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm, thời gian còn lại sẽ chia ca để trực. Một ca từ 12 giờ đến 3 giờ sáng. Ca còn lại từ 3 giờ sáng đến hết ca trực.

Thời gian ngủ nghỉ cũng hạn chế, chỉ có 3 tiếng để ngủ trong cả một tua trực. Thế nhưng, điều kiện vật chất không mấy tiện nghi. Một phòng dành cho khoảng 15 sinh viên ngủ thay ca có 4 chiếc giường đơn 2 tầng. Hai chiếc quạt được lắp ở đầu phòng và cuối phòng chỉ đủ mát cho những bạn nằm ngủ ở tầng dưới. Vì vậy, diện tích của giường tầng trên bị bỏ trống, thay vào đó, các bạn phải trải chiếu dưới sàn nhà để nằm.

Áp lực từ phía bác sĩ, bệnh nhân

Điều kiện đi lại, ăn uống và ngủ nghỉ không mấy dễ chịu, nhưng đó chưa phải là tất cả áp lực mà sinh viên trường Y phải trải qua. Đôi khi áp lực về tinh thần mới là áp lực nặng nhất. Bạn Trần Văn Tâm – sinh viên Y3 trường đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Trong quá trình đi trực, mình được tiếp xúc với các bệnh nhân, các bác sĩ. Điều mà mình cảm thấy áp lực nhất là khi mình chưa có đủ kiến thức, chưa có đủ kỹ năng để xử lý các tình huống xảy ra trong ngành Y. Mình cũng nghĩ sẽ học dần dần thôi, nhưng nhiều lúc như thế không biết làm theo hoặc làm sai thì các bác sĩ mắng thì cũng thấy áp lực”.

Đôi khi, áp lực lớn nhất lại xuất phát từ chính sự lúng túng của bản thân khi đứng trước người bệnh. Tâm chia sẻ thêm:“Mình còn nhớ, lần đầu tiên mình đi trực ở Bạch Mai, mình không biết làm bệnh án. Mình rất lúng túng trước người bệnh, không dám hỏi người ta. Mình cảm thấy họ rất đau, mình sợ làm phiền người ta. Có những bác vì rất đau nên họ tỏ ra khó chịu, điều đó làm mình rất áp lực. Nhưng dần dần, mình cũng thấy quen hỏi bệnh hơn”.

Áp lực, có tạo ra những viên kim cương?

Than chì và kim cương đều được cấu tạo từ Các-bon, nhưng kim cương cứng rắn hơn, lấp lánh hơn bởi chúng được tạo ra dưới áp lực lớn. Những khó khăn về điều kiện vật chất, những áp lực về tinh thần đang dần tạo nên những bác sĩ tương lai vững tay nghề, tâm trong sáng.

Chia sẻ về những điều học được khi đi trực, Oanh hào hứng kể: “Bọn tớ đi trực thì sẽ có những phản xạ về lâm sàng, ví dụ như một bệnh nhân vào với tư thế như thế này, như thế kia, thì mình có thể nghĩ đến họ đang bị làm sao rồi. Mình được tiếp xúc nhiều, các anh chị bác sĩ nội trú cho làm một số cái như sơ cứu vết thương, xin đi phụ mổ. Mình sẽ xem xem một ca mổ họ sẽ tiến hành những cái gì? Phương pháp phẫu thuật như thế nào. Nói chung là học được rất là nhiều. Nhưng mà muốn học nhiều thì phải thức nhiều”.

Muốn học nhiều thì phải thức nhiều, phải chịu áp lực, nhưng có phải lúc nào họ - những cô cậu sinh viên tuổi đời còn non trẻ cũng chịu đựng được? Điều gì đã khiến họ vui vẻ chấp nhận? Có thể vì tính bắt buộc của môn học? Họ cũng có thể làm cho qua loa đại khái để qua môn như bao sinh viên trường khác vẫn làm cơ mà? Vì nghề nghiệp sau này ư? Cũng có thể là một phần. Nhưng chứng kiến những khó khăn đang phải trải qua của các bác sĩ, có lẽ họ sẽ sợ hơn là có động lực vượt qua. Nhưng họ đã vượt qua được.

Bởi họ có một trái tim nhân hậu: “Có một lần mình đi trực ở viện huyết học Trung Ương, trong đêm trực đó có bệnh nhi tự nhiên lên cơn suy hô hấp, em tím tái chân tay lại, các bác sĩ cũng cố công cấp cứu hồi sức nhưng mà em không qua khỏi. Trong lúc cấp cứu thì bố mẹ của em ấy rất lo lắng, rồi khóc. Nói chung, cái đó tác động rất lớn đến mình, khiến mình suy nghĩ nhiều. Mình cảm thấy thương cho em và bố mẹ của em. Cảm thấy cái trách nhiệm của người bác sĩ rất là lớn, rất là lớn”. – Trần Văn Tâm – sinh viên Y3 – Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên giám đốc bệnh viện Việt Đức, trong một lần nói chuyện với các bạn sinh viên Y đã từng chia sẻ: Người bác sĩ phải có 3H: Head, Hands và Heart. Họ phải có cái đầu để học hỏi bởi ngành Y là một ngành rất khó, có đôi bàn tay để thực hành, để khám chữa bệnh chính xác và phải có trái tim nhân hậu để yêu thương người bệnh. Những sinh viên ngành Y đã và đang học tập hết mình, dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để học tập.

Những áp lực mà họ phải trải qua bây giờ sẽ giúp họ trở thành những viên kim cương sáng lấp lánh. Nhưng liệu xã hội có nhìn thấy những áp lực mà họ phải trải qua hay chỉ nhìn thấy thứ ánh sáng lấp lánh nơi những viên kim cương đó tỏa ra mà tưởng rằng đó chỉ là nước đá? Để rồi các bác sĩ khi ra trường cũng chỉ nhận mức lương bèo bọt, không xứng với giá trị của họ.

Theo Lương Nguyễn/Báo Lao động