Sau ngày 15/11: Mức tăng giá 1.800 dịch vụ y tế ra sao?

(Dân trí) - Đây là một trong những nội dung đặt ra với ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ y tế tại Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Điều chỉnh viện phí - Chất lượng khám chữa bệnh sẽ ra sao?” được Cổng thông tin Chính phủ thực hiện hôm 6/11 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, giá dịch vụ y tế là hàng hóa đặc thù. Nói cách khác nó thể hiện quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như mức bồi hoàn của cơ quan BHXH cho người tham gia BHYT khi bị đau ốm và bệnh tật.


Sau 15/11, mức tăng sẽ dần áp dụng cho 1.800 dịch vụ y tế. (Ảnh minh họa)

Sau 15/11, mức tăng sẽ dần áp dụng cho 1.800 dịch vụ y tế. (Ảnh minh họa)

Tăng không nhiều trong năm 2015

Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Y tế cho biết: Thông tư liên bộ giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH VN sắp được ban hành, mức điều chỉnh dự kiến chia làm hai giai đoạn.

Từ nay đến cuối năm 2015, trước mắt là tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế. Sang tới Quý I/2016, mức tăng sẽ tính thêm tiền lương của cán bộ y tế vào giá dịch vụ y tế.

“Hiện giờ tới cuối năm 2015, mức tăng không nhiều. Về cơ bản tiền khám bệnh không tăng. Đối với tiền ngày giường bệnh tính phụ cấp trực 24/24 của cán bộ y tế vào thì theo tính toán đối với bệnh viện (BV) hạng I, hạng đặc biệt tăng khoảng 19.000 đồng/ngày giường/ngày điều trị, đối với BV hạng II tăng khoảng 15.000 đồng và đối với BV hạng III khoảng 11.000 đồng” - ông Nguyễn Nam Liên nói.

Đối với các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt, ví dụ phẫu thuật tim, ghép tạng, thay khớp gối, khớp háng…Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, mức tăng cao nhất từ 1.000.000 - 1.400.000 đồng. Còn các thủ thuật khác, có dịch vụ chỉ tăng vài nghìn đồng, có những dịch vụ không phải phẫu thuật, thủ thuật thì từ nay đến cuối năm chưa tăng.

Giải thích thêm về nguyên tắc tăng giá dịch vụ trong đợt này, ông Nguyễn Nam Liên cho biết: “Chủ trương của Đảng và Chính phủ là chuyển dần ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho người tham gia BHYT, gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Do vậy, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này là hết sức cần thiết, là nội dung cơ bản của điều chỉnh hành chính công”.

Thông tư liên bộ sắp tới sẽ quy định giá thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc. Giá sẽ được tính thêm phụ cấp đặc thù và tiền lương của cán bộ y tế, phần này hiện nay ngân sách Nhà nước cấp. Sắp tới ngân sách Nhà nước không cấp phần này nữa mà chuyển sang để BHXH VN và người dân thanh toán.

Ông Nguyễn Nam Liên. Ảnh: VGP/Công Việt
Ông Nguyễn Nam Liên. Ảnh: VGP/Công Việt

Tác động với người dân ra sao?

Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, cả nước hiện có gần 74% dân số có thẻ BHYT, dự kiến cuối năm, con số nay sẽ tăng lên 75%. Điều này đồng nghĩa với 75% dân số đã được BHYT thanh toán.

“Đặc biệt trong số này có 24 triệu là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, người sống ở vùng biển đảo, trẻ em dưới 6 tuổi... khi đi khám bệnh, chữa bệnh đều được BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định của BHYT” - ông Nguyễn Nam Liên nói.

Những đối tượng trên dù có điều chỉnh tiền lương, hay tính đúng tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế thì vẫn được Nhà nước mua thẻ và được BHYT thanh toán toàn bộ nên không bị ảnh hưởng.

Với nhóm đồng chi trả 20%, ông Nguyễn Nam Liên cho biết: Vừa rồi có giải pháp người nào có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên. Khi phần đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương tối thiểu, cơ quan BHXH sẽ thanh toán phần vượt này.

Theo vị đại diện Bộ Y tế, năm 2016 phải điều chỉnh một bước nữa với cả người chưa có thẻ BHYT. “Mục tiêu của chúng ta là BHYT toàn dân, Luật BHYT quy định mua BHYT là bắt buộc nên chúng tôi mong muốn người dân hiểu và nắm chắc những chính sách an sinh xã hội của BHYT khi khám chữa bệnh. Bởi khi khám chữa bệnh sẽ được BHYT chi trả”.

“Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế có tính tiền lương, phụ cấp thì tất yếu đến năm 2020 tính đúng tính đủ giá dịch vụ công nói chung, trong đó bao gồm giá dịch vụ y tế, giá phải gồm tất cả chi phí trực tiếp như tiền lương, khấu hao, chi phí quản lý, Nhà nước không bao cấp tràn lan như hiện nay nữa” – ông Nguyễn Nam Liên nói.

Hoàng Mạnh tổng hợp