Ra nước nước ngoài làm việc: Mãi chỉ là nhân công giá rẻ?

(Dân trí) - Thực tập sinh đi ra nước ngoài hầu như rất ít người có tâm thế đi học để làm chủ và xây dựng đất nước.

Đó là băn khoăn của ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài" do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 13/11 tại trường ĐH Văn Hiến.

Đừng dựa vào giá nhân công rẻ

Tại hội thảo này, các đại biểu đều cho rằng đã đến lúc không nên chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ mà phải nâng cao chất lượng lao động, nâng cao giá trị xuất khẩu lao động và khẳng định thương hiệu chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân TPHCM chia sẻ: “cứ 10 em đi xuất khẩu lao động thì hết 7,8 em trở về đều ở tâm thế người làm thuê. Đa phần nhiều em đi làm ở nước ngoài để kiếm một số vốn rồi trở về tâm thế của người làm thuê tiếp".

Từ thực tế trên, Vị diễn giả trên đặt câu hỏi: Tại sao không biết tận dụng vốn và kiến thức đã được trao dồi ở nước ngoài để trở về làm chủ bản thân, xây dựng đất nước?.

Các chuyên gia cùng trao đổi tìm ra giải pháp nâng chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài
Các chuyên gia cùng trao đổi tìm ra giải pháp nâng chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài

Ngoài ra ông Độ cũng cho rằng trong thời điểm hiện tại, xuất khẩu lao động chỉ dành cho học sinh đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại Học, Trung Cấp… Những học sinh tốt nghiệp cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, có mong muốn sau khi học xong lớp 12 được cơ hội trở thành thực tập sinh cơ hội vẫn còn khá ít, thị trường xuất khẩu lao động, thực tập sinh dường như vẫn thiếu minh bạch.

Còn ông Nguyễn Xuân Lanh, trợ lý giám đốc Cty TNHH Esuhai Việt Nam, cũng xâu chuỗi các vấn đề với vai trò là đơn vị có kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đi Nhật. Ông Lanh trăn trở với câu chuyện “làm việc ở nước ngoài hay đi học tập quan trọng là để học hỏi sau đó trở về để đóng góp, phát triển đất nước chứ không phải đi để kiếm tiền”.

Các bạn sinh viên đi học tập, hay đi tiếp cận công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu hay xuất khẩu lao động rồi trở về. Bởi ông Lanh cho rằng không ai ngoài sinh viên sẽ góp phần đưa đất nước phát triển.

“Dù học chuyên ngành nào, bậc học nào đi chăng nữa thì đều phải sử dụng năng lực cả. Các bạn cứ theo đuổi nhu cầu, sở thích, thế mạnh của mình chứ đừng gượng ép học theo một ngành đặc thù nào để tìm cơ hội đi ra nước ngoài làm việc”, ông Lanh khuyên.

Đồng thời, ông Lanh cũng cho rằng quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản còn cần rất nhiều nguồn nhân lực thông hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, suy nghĩ, công nghệ của Nhật, do đó cần nhiều người trẻ Việt Nam biết được, làm được chuyện này

Chỉ nên xuất khẩu lao động phổ thông?

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài (Bộ LĐ-TB&XH), trong 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta không nên chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ mà chúng ta phải nâng cao chất lượng lao động, nâng cao giá trị xuất khẩu lao động
PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta không nên chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ mà chúng ta phải nâng cao chất lượng lao động, nâng cao giá trị xuất khẩu lao động

Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mức lương của người lao động đi Nhật làm việc khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng tháng của một người lao động còn khoảng 800- 1.000 đô la Mỹ, nếu tính từ các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 2.000 đô la Mỹ.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động của nước ta còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỷ luật người lao động còn thấp, so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Nhiều chuyên gia nhận định, tình trạng chung là người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chủ yếu là lao động nông thôn, chưa qua đào tạo kỹ năng nghề, chưa có kỹ năng làm việc trong môi trường lao động công nghiệp. Trong khi đó, vấn đề xuất khẩu lao động hiện nay phải được đánh giá ở một mức độ và trình độ cao hơn.

Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn, bày tỏ: “Tại sao các em nam không chọn học ngành kỹ thuật, cứ thích học những ngành như Tin học, mà Tin học của chúng ta thì học không bao giờ tới. Nhật Bản muốn tuyển chuyên gia về Tin học, thì phải là người giỏi phần mềm như viết được phần mềm gameonline hay phần mềm quản lý. Trước đây, mọi người cứ nghĩ xuất khẩu lao động chỉ dành cho đối tượng phổ thông, không có tay nghề, không trình độ. Thật sự không phải, đi làm việc nước ngoài các em phải có trình độ, ít nhất là trung cấp”.

PGS.TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta không nên chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông, giá rẻ mà chúng ta phải nâng cao chất lượng lao động, nâng cao giá trị xuất khẩu lao động và khẳng định thương hiệu chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

“Ngay từ bây giờ và những năm sắp tới, chúng ta phải không ngừng nâng cao bằng mọi cách, mọi giải pháp. Chúng ta gửi đi đội ngũ lao động được đào tạo có chất lượng, đáp ứng được thị trường ngày càng khó tính của các nước, như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Châu Âu, thậm chí thị trường Mỹ….” - PGS. TS Văn Thiện nói.

Thực tế hiện nay, có nhiều sinh viên không được định hướng tốt trong việc chọn trường, chọn ngành nghề theo học, từ đó chưa định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt là chưa ý thức việc học ngoại ngữ cho mình khi bước vào thị trường lao động quốc tế.

Tháo gỡ vấn đề này, theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề xuất các mô hình gắn kết gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, gắn tuyển sinh với định hướng đi học tập, làm việc ở nước ngoài. Sự liên kết này phải được cụ thể hóa bằng Hợp đồng hợp tác đào tạo.

Trong đó, nêu cụ thể trách nhiệm của nhà trường, của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp cho nhà trường các chương trình đi học tập, làm việc, yêu cầu cụ thể đối với người học. Doanh nghiệp chuyển giao cho nhà trường chương trình đào tạo, quy trình đánh giá của nước tiếp nhận sinh viên để nhà trường trực tiếp áp dụng. Nhà trường chủ động lựa chọn ngoại ngữ phù hợp để dạy cho người học, chứ không phải chỉ dạy tiếng Anh.

“Cần định hướng học sinh. Khi trường có thông tin doanh nghiệp, ví dụ định hướng học sinh đi lao động ở Nhật Bản, ngành nghề đã chọn rồi thì định hướng học sinh học tiếng Nhật ngay từ đầu, đưa vào chương trình chính khóa. Chúng ta thực hiện để cho người học của mình chủ động hơn. Chuyện dạy ngoại ngữ này cũng phù hợp với định hướng học tập, làm việc và yêu cầu của người học. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với doanh nghiệp tổ chức giảng dạy trong chương trình học tập chính thức của nhà trường” - ông Tiến cho biết thêm.

Hiện tại, nhiều trường cũng đã liên kết, hợp tác với các công ty xuất khẩu lao động để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc xuất khẩu lao động... Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề... Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý...

Lê Phương