1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Quy định tuổi trẻ em dưới 16, vô tình làm thiệt thòi nhóm 16-18 tuổi”

(Dân trí) - Quy định tuổi trẻ em dưới 16 tuổi vô tình tạo ra “khoảng trống” chính sách trong việc chăm sóc đối tượng từ 16-18 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi từ 16-18 đang trong giai đoạn chuyển tiếp tâm sinh lý, nguy cơ phải đối mặt với rủi ro, tổn thương, nhưng thiếu kiến thức ứng xử trong các mối quan hệ…

Trao đổi với báo giới, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Khi trình dự án Luật trẻ em năm 2016, Chính phủ đã đề cập quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi, theo đúng quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, dự án cũng chưa tạo được sự đồng thuận nhiều đại biểu Quốc hội”.

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Do đó trong quá trình thông qua Luật Trẻ em, Quốc hội vẫn quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Được biết trên thế giới chỉ còn 8 quốc gia có quy định tuổi trẻ em dưới 16, trong đó có Việt Nam. Bà Ngô Thị Minh cho rằng, quy định về độ tuổi trẻ em như trên ít nhiều đã phát sinh bất cập.

Luật Thanh niên quy định nhóm đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 là thanh niên, nhưng được thực hiện các quyền lợi theo công ước quốc tế về quyền trẻ em.

“Tuy nhiên, việc thực hiện theo công ước thực hiện như thế nào? Cần cụ thể hóa thành các quy định cụ thể trong luật chứ không thể nói chung chung? Chính bởi khoảng trống về quy định này, nhóm đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cũng đang chịu nhiều thiệt thòi” - bà Ngô Thị Minh nói. 

"Nhìn ra thế giới, nhóm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi được hầu hết các nước quan niệm: Vừa là trẻ em và thanh niên, chứ không quy định đã là trẻ em thì thôi là thanh niên" - bà Ngô Thị Minh nói

Cụ thể, các em đang đang chịu nhiều thiệt thòi bởi các chính sách hiện hành cho trẻ em chỉ có thể áp dụng đến dưới tuổi 16. Ví dụ như 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào các vấn đề trợ giúp pháp lý miễn phí cho các em mà nhiều chính sách khác nữa.

Cũng theo bà Ngô Thị Minh, ở độ tuổi này, các em đang thiếu nhiều thứ, như: Kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kiến thức giao tiếp ứng xử. Các em đang phải ở trong giai đoạn mà cơ thể có nhiều biến đổi.

Về công tác quản lý nhà nước, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc sự quản lý của Bộ Nội vụ.

Bà Ngô Thị Minh lo ngại, Bộ Nội Vụ chưa có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách làm công tác chăm sóc, bảo vệ người thành niên ở cấp cơ sở, chưa có hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội tương tự các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Vì vậy, không ít người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện. 

Thực tế này đòi hỏi hệ thống pháp luật hiện hành cần bổ sung các quy định đối với nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

“Quốc hội đang xem xét toàn diện vấn đề với chính sách cho nhóm trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18. Chúng tôi rất mong muốn trong Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa 14 trong năm 2020, khi xem xét vòng 2 để thông qua Luật thanh niên, chúng ta sẽ trình luôn về vấn đề điều chỉnh độ tuổi trẻ em nhằm đảm bảo sự phù hợp với công ước quốc tế và chăm sóc tốt hơn cho các em” - bà Ngô Thị Minh cho biết.

Hội nghị Hội nghị cấp cao về chính sách phát triển toàn diện trẻ em sẽ được tổ chức sáng 23/11 tại Hà Nội với 2 phiên chính: Chính sách phát triển toàn diện trẻ em, triển khai chính sách thực hiện quyền trẻ em giai đoạn 2021-2025.

Đây là chương trình được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em.

Hoàng Mạnh