1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi thiếu gần 17.000 lao động

(Dân trí) - Năm 2019, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng cao. Thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp sẽ cần khoảng 17.000 lao động.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm và bàn giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại địa phương trong năm 2019 - 2020.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 5.063 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 99.000 lao động. 

Để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi... đã phối hợp tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm. Trung bình mỗi phiên có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng.

Quảng Ngãi thiếu gần 17.000 lao động - 1
Năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm với 7.000 lao động được tuyển dụng

 Qua đó, số lao động tìm được việc làm tại các phiên giao dịch đạt từ 35 - 40%, các doanh nghiệp tuyển dụng được trên 7.000 lao động. Riêng 2 tháng đầu năm 2019, có hơn 3.800 lượt người trực tiếp khai thác thông tin và phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm với trên 2.000 lao động được tuyển dụng.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2019 và năm 2020, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất cao khi một số doanh nghiệp lớn bắt đầu đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn cung ứng lao động vẫn còn thiếu hụt do nhiều nguyên nhân.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận từ các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đề cập đến việc dự báo nguồn cung và cầu về lao động trên địa bàn tỉnh. Công tác phân luồng đào tạo, định hướng nghề đã thực sự sâu sát, đã bắt kịp với thực tế đang diễn ra hay chưa?

Quảng Ngãi thiếu gần 17.000 lao động - 2
Theo thống kê, năm 2019 tỉnh Quảng Ngãi còn thiếu gần 17.000 lao động

Theo ông Trần Văn Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, để thu hút được lực lượng lao động vào làm tại các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thì trước hết cần phải ưu tiên xây dựng môi trường sống rồi mới tính đến việc thu hút nguồn nhân lực.

Đối với huyện Mộ Đức, phần đông lực lượng lao động của huyện đi làm việc ở các tỉnh phía nam. Để kêu gọi họ về quê thì cần rất nhiều chính sách ưu đãi mới có thể thu hút lực lượng lao động này. 

Ông Võ Văn Triều - Chủ tịch UBND thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng) cũng nêu những khó khăn khi lực lượng lao động tại địa phương đa phần là người dân tộc thiểu số, chưa quen với tác phong công nghiệp, rất khó tiếp cận với các khu công nghiệp trong tỉnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào công việc tuyển dụng lao động, trả lương mà không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt cho người lao động nên rất khó thu hút lực lượng lao động từ miền núi xuống đồng bằng làm việc.

"Với thu nhập 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng khi đi làm công nhân thì những lao động tại địa phương cũng có thể làm những công việc khác để có số thu nhập như vậy. Chính vì thế họ không muốn rời xa quê hương đi làm việc khi phải thuê nhà và cộng các chi phí sinh hoạt đắt đỏ vào tiền lương sẽ không có gì để tiết kiệm", ông Võ Văn Triều bày tỏ.

Quảng Ngãi thiếu gần 17.000 lao động - 3
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nêu ra 7 giải pháp cần thực hiện để giải quyết bài toán cung ứng lao động cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nêu ra 7 nhóm giải pháp để giải bài toán cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Trong đó nhấn mạnh đến công tác đào tạo nghề ngắn hạn, nhất là cho lực lượng học sinh vừa tốt nghiệp PTTH, lực lượng bộ đội xuất ngũ...

Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo gắn với giải quyết việc làm thì đây sẽ là lực lượng chủ lực cung ứng cho con số thiếu hụt nguồn nhân lực mà tỉnh Quảng Ngãi cần trong năm 2019 cũng như những năm tiếp theo.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 840.000 người trong độ tuổi lao động, trong khi đó hiện tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chỉ cần tuyển dụng từ 15.000 - 17.000 lao động nhưng vẫn không cung ứng đủ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc làm chưa hấp dẫn, thu nhập chưa tương xứng tạo nên rào cản lớn cho công tác tuyển dụng lao động.

Do đó, ông Lê Viết Chữ yêu cầu các đơn vị liên quan phải xây dựng một thị trường lao động có tính cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích và quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp thì tỉnh Quảng Ngãi mới có thể có được nguồn nhân lực bền vững trong thời gian tới.

Quốc Triều