1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi: Ngư dân chuyển nghề vì sản lượng hải sản gần bờ sụt giảm

(Dân trí) - Theo UBND huyện Lý Sơn, sản lượng hải sản vùng biển gần bờ sụt giảm, trong khi chi phí đánh bắt tăng cao buộc nhiều ngư dân Lý Sơn phải bỏ nghề tìm hướng làm ăn khác. Điều này dẫn đến tổng sản lượng khai thác hải sản của huyện đảo tiền tiêu trong năm 2018 giảm hơn 3.000 tấn.

Anh Dương Thành Long (xã An Hải, huyện Lý Sơn) từng dọc ngang ở vùng biển Quảng Ngãi hơn 10 năm trên chiếc tàu có công suất 560 CV. Tuy nhiên, đầu năm 2018, anh Long đã bán tàu cá chuyển sang ngành nghề mới.

Lý giải về quyết định của mình, anh Long cho biết, sản lượng hải sản mà tàu cá lưới vây rút chì đánh bắt được giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí đánh bắt cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng. Hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển thấp buộc anh Long phải chuyển nghề.

"Cá vùng biển gần bờ giờ ngày càng ít. Trong khi đó, chi phí ra khơi lại tăng. Giờ muốn có cá phải đánh bắt khơi xa mà đi như vậy thì phải có tàu lớn, chi phí mỗi chuyến cả vài trăm triệu. Mình không có vốn nên phải kiếm nghề khác", anh Long chia sẻ.

Sản lượng hải sản gần bờ sụt giảm mạnh khiến nhiều ngư dân chuyển sang ngành nghề khác
Sản lượng hải sản gần bờ sụt giảm mạnh khiến nhiều ngư dân chuyển sang ngành nghề khác

Nhiều ngư dân Lý Sơn cho biết, nếu không muốn bỏ nghề thì chủ tàu phải trang bị thêm nhiều thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại hơn. Điều này khiến ngư dân gặp khó vì thiếu nguồn vốn đầu tư.

Theo ngư dân Nguyễn Gia Viên, lúc trước chủ tàu đã đầu tư máy dò ngang, dò chụp. Nhưng hiện nay muốn đánh bắt được cá phải đầu tư thêm máy dò hiện đại hơn, nâng cấp lưới đánh bắt mới mong có lãi sau mỗi chuyến biển.

"Giờ muốn tiếp tục nghề thì buộc phải đầu tư thêm máy đo dòng chảy, nâng cấp lưới lên gấp đôi, tóm lại là chi phí cao lắm. Muốn đánh bắt được chỉ có cách đi xa tầm vài trăm hải lý, mà đi xa quá thì không có tiền nâng cấp công suất tàu, mua ngư lưới cụ", ngư dân Viên nói.

Toàn huyện Lý Sơn hiện có hơn 500 tàu cá, trong đó chỉ có hơn 100 phương tiện đủ năng lực đánh bắt xa bờ. Chính vì vậy, tình trạng ngư dân bỏ nghề biển chuyển sang các nghề khác khiến chính quyền địa phương lo ngại ảnh hưởng đến ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Lo lắng này của chính quyền huyện Lý Sơn là có cơ sở khi tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2018 chỉ đạt 33.000 tấn, giảm trên 3.000 tấn so với năm 2017.

Huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển
Huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển

Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, chính quyền địa phương luôn xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, huyện Lý Sơn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, thời gian qua việc đánh bắt gặp khó khăn nên một số ngư dân bán tàu cá lên bờ làm ngành nghề khác.

"Một số ngư dân bán tàu cá chuyển sang làm dịch vụ trên bờ do đánh bắt gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động ngư dân vươn khơi bám biển vì đây là ngành nghề chính ở Lý Sơn. Về lâu dài, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho ngư dân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ để có thể vươn ra khơi xa", bà Hương nói.

Quốc Triều