1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ 15/4:

Phạt tới 60 triệu đồng nếu mạo danh trung tâm dịch vụ việc làm hợp pháp

(Dân trí) - Phạt từ tiền 45 - 60 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không phải là trung tâm dịch vụ việc làm được thành lập hợp pháp.

Phạt tới 60 triệu đồng nếu mạo danh trung tâm dịch vụ việc làm hợp pháp - 1

Đây là một phần nội dung của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định 28/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Xử phạt trong dịch vụ việc làm

Mức phạt từ 45-60 triệu đồng còn được áp dụng với cá nhân, tổ chức hoặc tổ chức có hành vi dịch vụ việc làm nhưng không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.

Liên quan tới lĩnh vực vi phạm quy định về dịch vụ việc làm, Nghị định 28/2020/NĐ-CP còn đưa ra chế tài khác, như: Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hành vi thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng.

Đồng thời, tổ chức dịch vụ việc làm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm trên.

Phạt vì phân biệt đối xử trong tuyển dụng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP còn quy định hành loạt mức phạt hành chính đối với các vi phạm trong tuyển, quản lý lao động.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền được phạt từ 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi phân biệt đối xử về giới tính, độ tuổi, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HI, khuyết tật.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 1-3 triệu đồng khi có một trong các hành vi, như:

Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc , kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định với phòng LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Không bảo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng LĐ-TB&XH hoặc Sở LĐ-TB&XH (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động còn phải trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi này…

Hoàng Mạnh