Phận đời bên gánh hàng rong: Oằn vai xa xứ

Những người đàn bà phơi mình giữasương gió, gánh từng gánh hàng đi khắp các con đường ở TP.HCM để kiếmtiền nuôi con nơi quê nhà.

Họ đa số là những người con của dải đất miền Trung đầy nắng gió, vì cuộc mưu sinh mà rời xa quê nhà, bỏ lại chồng con vào TP. Gánh hàng rong là người bạn duy nhất cùng dầm mưa dãi nắng với họ trong hàng chục năm qua.

Gánh hàng 20 năm

TP đã lên đèn, ánh đèn vàng hắt hiu trên những con phố dài. Người đàn bà ngồi tựa đầu vào bức tường loang lổ đã úa màu thời gian trên một con hẻm nhỏ. Mệt mỏi và thiếp đi bên quang gánh của mình. Hai đầu gánh của chị đựng đủ thứ quà ăn vặt như bánh tráng, kẹo dẻo, củ sắn, xí muội, xoài...

Chị là Lê Thị Mười, 49 tuổi, quê ở Bình Định, thường ngồi bán hàng ở con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đã 20 năm nay, bao lớp người thay nhau đến đây sống rồi rời đi, còn chị thì vẫn ngồi đó bên chiếc quang gánh, nhỏ bé giữa muôn vàn người qua kẻ lại.

Đất ở quê cằn cỗi, một sào ruộng không thể nuôi sống cả gia đình bốn người. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, chị Mười cùng nhiều người phụ nữ khác nữa ở quê rủ nhau lên phố với mong mỏi duy nhất là đi làm kiếm tiền gửi về nuôi con.

Ở quê, chị chỉ quen làm nông nên lên tới Sài Gòn cũng chưa biết mình phải làm gì. “Nếu cứ ở quê bám trụ, cuộc sống sẽ không khá giả hơn mà cứ quẩn quanh, thiếu trước hụt sau. Nghe người ta kháo nhau rằng lên đó kiểu gì cũng sống được thì đi thôi” - chị cười hiền khô.

Chị thuê căn phòng trọ nhỏ dưới chân cầu Mống (quận 4) để ở tạm thời gian đầu. Vô tình thấy người ta gánh hàng đi bán ở nhiều nơi, chị nghĩ mình dư sức để làm vì đã quen với việc nặng nhọc. Gánh hàng rong gắn bó với chị từ đó.

Ở gần cầu Mống nhưng ngày nào chị cũng đạp xe qua khu Nguyễn Hữu Cảnh để bán vì khu này bán đắt hàng hơn. Đều đặn mỗi ngày, cứ 11 giờ 30 sáng là chị lại đạp xe đi bán đến 2 giờ khuya mới về.

“Hồi xưa còn sức thì gánh đi bộ được, giờ không chịu nổi nữa nên mua chiếc xe đạp cũ để đi cho đỡ. Đạp qua mấy cái cầu có dốc cao mệt lắm. Lúc đó, động lực duy nhất là chồng con ở nhà. Nhớ chồng, nhớ con, nhớ ba mẹ già ở quê mà chỉ biết khóc thầm” - chị Mười tâm sự.

Thu nhập của chị không ổn định, ngày bán nhiều cũng chỉ lên đến 300.000 đồng, có ngày chỉ được 100.000 đồng. Có tháng chị gửi về nhà được 1,5 triệu đồng, có tháng thì chỉ vài trăm ngàn.

Cũng như chị Mười, nhiều người phụ nữ khác mưu sinh bằng gánh hàng rong cũng chắt chiu, dành dụm từng đồng như vậy. “Ban trưa tôi chỉ ăn hộp cơm chay 8.000 đồng được rồi. Ăn vậy thì một ngày cũng để dành được vài chục ngàn, cuối tháng mua cho con thêm hộp sữa” - chị Lê, một người bán hàng rong ở quận 9, chia sẻ.

Phận đời bên gánh hàng rong: Oằn vai xa xứ - 1

Chị Nguyễn Thị Hoa đạp xe từ Bến xe Miền đông về đường Đình Phong Phú (quận 9) bán hàng giữa trưa nắng. Ảnh: THANH TUYỀN

Phận đời bên gánh hàng rong: Oằn vai xa xứ - 2

Chị Lê Thị Mười bên gánh hàng rong vào mỗi đêm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Ảnh: THANH TUYỀN

Cuộc đời đa đoan sau thúng bánh mì

“Ai bánh mì không? Bánh mì thịt đây. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tối đều được cả”.

Góc chợ Thủ Đức bao năm qua đã quá quen với hình ảnh một người phụ nữ gốc Huế đạp chiếc xe đạp nhỏ, sau lưng là cái thúng nhỏ cùng lời rao hàng dễ thương. Đằng sau tiếng rao hàng dí dỏm, nụ cười tươi và cái duyên ăn nói của chị Nguyễn Thanh Loan, ít ai biết được những chua chát cuộc đời mà người phụ nữ 46 tuổi này từng trải qua.

Chị lấy chồng khi vừa tròn đôi mươi. Người chồng hơn chị đến 20 tuổi, gia đình rất giàu có, còn chị thì nghèo. Ngày lấy anh, nhiều người bảo chị ham tiền chứ yêu thương gì người quá lớn tuổi như vậy.

“Chẳng hiểu sao nữa, lúc cưới nhau tôi chỉ nghĩ đó là tình cảm, tình yêu của mình thì mình tiến tới hôn nhân thôi chứ có quan tâm gì chuyện giàu nghèo” - chị nhắc lại chuyện cũ.

Hai người sống với nhau, có được hai cô con gái thì chia tay vì không hợp nhau nữa. Gia đình chồng ra sức chửi mắng chị vì sợ chia tài sản. Chị một mình nuôi hai con gái nhỏ mà không đòi hỏi gì. Nghĩ phận mình đa đoan đã đành, chị nhất quyết phải lo cho hai con thật tốt.

Chị lao vào cuộc mưu sinh, nước mắt rơi nhiều lần vì tủi thân, vì mệt nhoài trong những lần đi về giữa đêm khuya một mình. “Có những ngày tôi không biết phải xoay xở như thế nào để chất đồ lên thùng, cột vào xe cho nó khỏi rớt...” - chị nhớ lại thời gian đầu khi bắt đầu đi bán rong.

Hai cô con gái của chị đã lớn, mong mẹ có được người chồng tốt để cuộc đời mẹ được vui nhưng chị gạt phăng đi. “Lấy chồng lần nữa, sợ mình lại cuốn theo chồng mà không dành tình cảm trọn vẹn cho hai đứa con của mình. Từ nhỏ con tôi đã không có cha rồi, còn bao nhiêu ngày của cuộc đời tôi chỉ muốn sống trọn vẹn với con thôi” - chị Loan bùi ngùi.

Hiểm nguy rình rập

Người phụ nữ xa nhà, một mình nơi đất khách phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi cứ đi đi về về giữa đêm khuya, trước lời tán tỉnh của những người đàn ông.

Chị Nguyễn Thị Hoa, 46 tuổi, quê Bình Định, vào Sài Gòn làm bạn với hàng rong cũng đã hơn 15 năm nay. Chị thuê trọ ở Bến xe Miền Đông, mỗi ngày đều đạp xe đi bán hàng ở nhiều nơi.

Gương mặt tròn trịa, nét mặt phúc hậu với nụ cười hiền, hàng lông mày dài và đen, lại luôn vui vẻ nên chị bị rất nhiều người đàn ông chọc ghẹo. Mỗi lúc như vậy chị đành cười rồi vội dắt xe đi mà không dám nói gì.

“Trời ơi, tui là gái quê mà, có biết đong đưa gì đâu mà mấy ổng cứ theo tui chọc. Tui cũng có chồng với hai đứa con rồi. Lòng tui chỉ hướng về chồng con thôi chứ không thích ai. Với lại chồng con tui ở nhà cũng làm lụng vất vả mà mình trong này tui làm điều chi không phải thì tội lỗi lắm” - chị Hoa nói về những lần có người thật sự ngỏ ý với mình.

Bà Nguyễn Thị Mai (77 tuổi) bán trứng cút, đậu phộng luộc trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh kể: “Có hôm đi về khuya thì sợ lắm. Mấy đứa thanh niên giang hồ cứ chặn đường hỏi xin tiền nữa, không cho thì sợ nó quậy không cho bán, mà cho thì tiền đâu gửi về cho nhà, khó đủ đường” - bà Mai nói.

Chị Loan cũng phải nhiều lần trải qua nỗi sợ hãi khi trên đường đi bán về khuya. Có gã đàn ông lẽo đẽo theo sau về đến tận nhà mới thôi. “Lúc đó tim như ngừng đập vậy đó, chỉ cố đạp xe thật nhanh, tìm đường có đông người một chút mà đi” - chị Loan nhớ lại…

Mong có vỉa hè để được buôn bán

5 giờ sáng, cụ ông Nguyễn Văn Đạo, 80 tuổi, ở trọ tại quận Thủ Đức chạy xe máy đi bán bánh bò dọc các tuyến đường trong quận. Ông đi bán đã hơn 30 năm nay. Bánh do chính tay ông Đạo và vợ của ông làm. Suốt chừng ấy thời gian bán hàng rong, ông Đạo bảo điều khiến ông lo nhất là bị không cho bán nữa. “Nếu có chỗ cho tụi tui bán mà không phải sợ vi phạm luật hay bị công an nhắc nhở nữa thì còn gì bằng!” - cụ ông cười móm mém.

Bà Nguyễn Thị Mai thì kể bà đã nhiều lần bị công an bắt và giữ cả quang gánh vì bán trên vỉa hè. Mỗi lần như vậy bà chỉ biết ngậm ngùi chịu phạt. Thời gian này, bà đi bán trễ hơn vì sợ lực lượng chức năng đi kiểm tra. “Nói thật là tụi tui không biết làm gì nên mới phải buôn gánh bán bưng. Tụi tui cũng biết ngồi vỉa hè là vi phạm nhưng mà không còn cách nào khác cả. Giá mà những người buôn gánh bán bưng như tui có cái chỗ cho sạch sẽ, ổn định để kiếm sống thì hay biết mấy. Chỗ nhỏ thôi cũng được. Bây giờ ngồi vỉa hè thì bị cấm rồi, mà rong ruổi đi bán dạo thì cứ phập phồng lo sợ đủ thứ nguy hiểm rình rập”.

Theo PLO.VN