“Ô sin” nước ngoài lương tháng 18-25 triệu đồng đã có ở Hà Nội và TP HCM!

(Dân trí) - “Mặc dù thị trường lao động Asean chưa chính thức hội nhập, nhưng qua khảo sát của Trung tâm ở các khu đô thị cao cấp như Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (TP HCM), đã có gia đình tuyển người Philippin làm giúp việc gia đình với lương tháng từ 18-25 triệu đồng”.

Nhu cầu học kỹ năng nghề của nữ giúp việc gia đình rất lớn (ảnh minh họa)
Nhu cầu học kỹ năng nghề của nữ giúp việc gia đình rất lớn (ảnh minh họa)

Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng (Hà Nội), trao đổi với PV Dân trí về cơ hội việc làm cũng như nhu cầu học kỹ năng nghề của người VN làm nghề giúp việc gia đình ngay trên “sân nhà”.

Thưa bà, khảo sát của Trung tâm cho thấy lý do gì khiến người giúp việc gia đình quốc tịch Philippin có thể nhận được mức lương khoảng 20 triệu đồng tại VN?.

Theo tôi, các đối tượng này được tuyển vì thành thạo tiếng Anh, am hiểu các thiết bị điện tử trong gia đình, kỹ năng ứng xử chuyên nghiệp. Không chỉ dọn dẹp trong nhà, họ có thể có kỹ năng chăm sóc sức khỏe gia đình.

Họ còn dạy tiếng Anh cho con ông bà chủ và đưa đón các cháu đi học. Ông bà chủ (có thể là người VN hoặc nước ngoài) hoàn toàn hài lòng với dịch vụ nên sẵn sàng trả mức lương đó.

Ngay trên “sân nhà”, bà có nhận định về những lao động VN làm nghề giúp việc gia đình hiện nay?

Khoảng 96 % đối tượng trên là phụ nữ xuất thân từ nông thôn, độ tuổi từ 14, 15 tuổi tới 65 tuổi. Một số rất ít trong đó có trình độ THPT. Vì hoàn cảnh khó khăn và không tìm được nguồn việc ở quê, họ phải lên thành phố tìm việc.

Một xu hướng mới trong việc hình thành nguồn nhân lực giúp việc gia đình. Đó là một số bạn trẻ đang học hoặc đã tốt nghiệp CĐ-ĐH. Do không tìm được việc đúng ngành, họ chấp nhận làm nghề này. Họ giấu thân phận vì ngại đối mặt với định kiến của xã hội.

Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng
Tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng

Về thu nhập, lao động giúp việc gia đình nếu ở cùng gia chủ có thể nhận mức lương tháng từ 3-7 triệu đồng. Những lao động làm việc theo giờ tại nhà chủ có thể lĩnh khoảng 30.000 đồng/giờ. Đây cũng là xu hướng đang phát triển nhanh tại các đô thị.

Mối quan hệ trong công việc giữa người giúp việc gia đình và gia chủ đang ở mức nào để cần thiết phải ra đời một bộ tiêu chuẩn nghề, thưa bà?

Chúng tôi đã tìm hiểu về thực trạng lao động giúp việc. Phần lớn các công việc của người giúp việc gia đình hiện nay là: Nội trợ, dọn dẹp, chăm trẻ hoặc người già, giặt giũ và là quần áo...Một số công việc mới như chăm sóc cây cảnh, chăm sóc vật nuôi cũng phát triển.

Trên 50 % gia đình sẵn sàng trả mức lương cao hơn để tuyển được người giúp việc gia đình có kỹ năng, kiến thức, tay nghề và đạo đức.

“Chúng tôi hy vọng, bộ kỹ năng sẽ giúp người giúp việc gia đình có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện trong gia đình, chế biến món ăn và đồ uống, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi, dọn dẹp nhà cửa” - bà Ngô Thị Ngọc Anh nói.

Ngược lại, trên 77 % người giúp việc gia đình muốn được học nghề để gia tăng các kỹ năng làm việc, đáp ứng mong muốn gia chủ, qua đó có thêm có hội việc làm với lương cao hơn.

Nhưng thực tế, hơn 90 % người giúp việc gia đình chưa được đào tạo, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm và thói quen. Điều này đã phần nào tạo nên sự hiểu lầm,  mâu thuẫn và những câu chuyện bức xúc giữa 2 bên.

Đây chính là lý do để ra đời bộ tiêu chuẩn nghề, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam, các chuyên gia của Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), các chuyên gia độc lập về nấu ăn, chăm sóc người cao tuổi. Chúng tôi đã có thời gian thử nghiệm ở Nam Định, Khánh Hòa và Vĩnh Long.

Ngoài sự thiếu hụt tính chuyên nghiệp từ phía người giúp việc gia đình, theo bà, còn “độ vênh” nào giữa thực tế và chính sách liên quan tới người giúp việc gia đình tại VN?

Giúp việc gia đình là công việc đàng hoàng, đem lại sinh kế cho người phụ nữ. Về pháp luật, nghề giúp việc gia đình đã được Luật Lao động năm 2012 quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các nghị định và thông tư quy định khá chi tiết về nghề này.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để xã hội thay đổi cách nhìn nhận về nghề và người là nghề. Chúng ta cũng tăng cường cần đào tạo kỹ năng nghề cho người giúp việc. Qua đó giúp họ tự tin và làm việc hiệu quả hơn.

Về phía cơ quan quản lý lao động, tôi cho rằng cần có sự phân cấp quản lý nghề một cách cụ thể hơn. Nhiều cấp quản lý ở địa phương cũng chưa hiểu rõ quy định về người giúp việc gia đình. Chỉ ở những vùng dự án can thiệp và tác động, họ mới vào cuộc.

Đơn cử như việc giám sát hợp đồng lao động giữa chủ nhà với người giúp việc gia đình. Pháp luật lao động đã rất nhân văn trong việc ban hành quy định hình thành hợp đồng lao động giữa 2 bên.

Nhưng để giám sát việc này thì chưa có cơ quan nào thực hiện đầy đủ. Tôi mong muốn thanh tra lao động và các cấp chính quyền có sự đánh giá, giám sát và xử lý vi phạm nếu xảy ra.

Xin cảm ơn bà

“Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) thành lập, thị trường lao động 10 nước Asean sẽ thu hẹp thành 1 thị trường chung. Nếu chúng ta không đào tạo cho người phụ nữ VN có nhu cầu làm nghề giúp việc gia đình trong nước, nguy cơ cạnh tranh với lao động nước ngoài trên “sân nhà” là điều có thể xảy ra” - Bà Ngô Thị Ngọc Anh nói.

Hoàng Mạnh (thực hiện)