1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nữ phụ hồ: Thiếu ăn, thiếu ngủ…thiếu hơi con!

Đảm nhận những công việc nặng nhọc, độc hại không thua gì nam giới, thế nhưng cuộc sống của nữ phụ hồ vẫn đối diện khó khăn, thiếu thốn

"Đặt chân đến công trường là phải bắt tay vào việc ngay, làm tất tần tật mọi việc việc từ trộn hồ đến khuân vác gạch, móc sắt. Những hôm thợ bắt đầu tô tường, một mình tôi quán xuyến tất cả, về đến nhà, tay chân rã rời, không nhấc lên nổi" - chị Đặng Thị Hồng Anh (quê Cần Thơ) kể.

Phụ hồ khổ lắm ai ơi

Ngoài những công việc kể trên, những nữ phụ hồ còn phải làm những công việc nặng nhọc khác như khiêng gạch, sàng cát, bẻ sắt và dọn dẹp công trình. Vất và là vậy nhưng thu nhập của họ chỉ ở mức 230.000 - 270.000 đồng/ngày.

Chị Anh cho biết, phụ hồ sợ nhất công đoạn đổ bê tông và tô tường. Hỗn hợp bê tông ngoài cát, xi măng còn có đá và thợ phụ là người phải cho tất cả những vật liệu vào máy. Sau khi máy trộn xong, thợ phụ phải đổ bê tông ra xe và đẩy tới khu vực đổ sàn. "Mỗi xe nặng tầm 40-50kg, phụ nữ chân yếu tay mềm phải gồng mình mới di chuyển được xe"- chị Anh nói.

Công việc nặng nhọc là hình ảnh thường thấy của nữ phụ hồ
Công việc nặng nhọc là hình ảnh thường thấy của nữ phụ hồ

Lân la các công trình xây dựng trên địa bàn quận 9, TP HCM, chúng tôi làm quen được với cô Lê Thanh Thủy. Không thể xin được việc làm ở tuổi 51 nên cô phải xin một chân phụ hồ. Dưới cái nắng gay gắt, trên tầng 3 một công trình nhà ở tại Khu Dân cư Long Bửu, cô Thủy quần quật với việc chuyển gạch lên giàn giáo rồi xúc hồ vào máng chuyển lên cho thợ xây.

Chốc lát, cô phải dừng lại thở vì mệt, mồ hôi thấm đẫm áo. "Mấy bữa nay trời nắng nóng nên làm việc rất mau mệt. Biết ở tuổi này làm việc nặng nhọc rất khó nhưng cô không còn sự lựa chọn nào khác" - cô Thủy tâm sự.

Tại Khu công nghệ cao quận 9, TP HCM, rất nhiều công trình đang mọc lên và thu hút khá đông một lượng lớn nữ phụ hồ. Để hưởng mức lương công nhật từ 200.000 - 220.000 đồng, họ phải làm tất cả các công việc theo chỉ đạo từ giám sát như dọn đất đá rơi vãi, gom rác, kéo sắt, phả cát, chuyển bê tông từ xe trộn vào công trình…

Kiên nhẫn xúc từng xẻng cát cho vào xe rùa dưới ánh nắng gay gắt, chị Lý Thị Linh (quê Bắc Kạn) đôi lúc dừng lại thở dốc vì mệt. Chị "Khu này không một bóng cây, công trình cũng mới khởi công nên chúng tôi gần như phơi nắng cả ngày. Những hôm trời nắng gắt là không thở nổi nhưng cũng phải ráng"- chị Lý, cho biết.

Thiệt thòi trăm bề

Không chỉ làm những công việc nặng nhọc, liên tục dưới trời nắng, thời gian ăn uống, nghỉ ngơi của nữ phụ hồ cũng không trọn vẹn.

Nhiều công trình xây dựng ở quận 2, TP HCM nằm chơ vơ, xung quanh không một bóng cây. Quán ăn cũng không có nên đến giờ trưa, nhiều nữ phụ hồ tranh thủ chạy về nhà trọ để ăn uống và nghỉ ngơi. Với những người ở xa, khu vực họ chọn nghi ngơi và dùng cơm trưa là cạnh những chiếc xe tải chở đất hoặc gần những container dành cho kỹ sư ở công trình.

Nữ phụ hồ làm luôn công việc móc sắt như nam giới
Nữ phụ hồ làm luôn công việc móc sắt như nam giới

Chị Huỳnh Anh Thơ (quê Cần Thơ) đang phụ hồ ở tầng 19 của một công trình tại quận Tân Bình, TP HCM cho biết, thợ phụ ở đây chỉ có 1 tiếng 30 phút nghỉ trưa. Do vậy để tiết kiệm thời gian và chi phí, chị chịu khó dậy sớm nấu cơm mang theo. Làm việc vất cả, thiếu ăn, thiếu ngủ…đối với các chị, các cô là bình thường.

Với họ, thiếu hơi con trẻ là thiệt thòi lớn nhất "Công nhân thì phải theo công trình, lúc làm gần, lúc lại rất xa. Vừa rồi, tôi thuê nhà trọ ở quận 9 nhưng công trình tận quận Tân Bình, 5 giờ 30 đã ra khỏi nhà để kịp ăn sáng và phòng kẹt xe, có lúc tăng ca đến 10 giờ đêm…thời gian làm việc như vậy thì không tài nào lo được cho con, gửi nhà trẻ thì cũng không ai nhận giữ vào những giờ đó, chỉ còn cách gửi cho ông bà chăm"- chị Trần Ngọc Thơm (quê Nghệ An) tâm tư.

Vợ chồng chị có được 2 cháu. Năm 2016, anh chị rời quê vào TP HCM làm việc, lúc đó bé lớn mới 6 tuổi và bé nhỏ chỉ gần 18 tháng.

Công việc hằng ngày của nữ phụ hồ
Công việc hằng ngày của nữ phụ hồ

Cùng cảnh ngộ, sau Tết Nguyên Đán vừa qua, chị Phùng Ngọc Nga (quê Phú Yên) cùng chồng là thợ xây cũng dứt ruột gửi 2 con (đứa 5 tuổi, đứa 2 tuổi) nhờ nội chăm sóc. "Nhớ tụi nhỏ lắm! Lúc tôi đi, con bé còn chưa nói rành, giờ thì gọi "mẹ" rõ lắm!" - chị Nga bật khóc khi nhắc đến con. Giọt nước mắt hòa chung giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt người mẹ trẻ…

Theo Thuý Liễu/Báo Người Lao động