Ninh Bình: Nông dân bắt cáy kiếm tiền triệu mỗi tháng

(Dân trí) - Dùng những chiếc lờ để bẫy cáy, nhiều nông dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) kiếm được gần chục triệu đồng mỗi tháng. Nghề này ít phải đầu tư lại không vất vả đang giúp nhiều hộ dân đổi đời.

Về Kim Sơn (Ninh Bình) mùa này, đâu đâu cũng thấy bà con nông dân bàn chuyện con cua, con cáy. Cứ mỗi buổi sáng, cảnh thương lái đến những hộ chuyên đi săn cua, cáy thu mua khá rộn ràng. Giá bán không cao bằng cua đồng, nhưng cáy cũng rất được ưa chuộng. Mặt hàng cáy luôn trong tình trạng khan hiếm hàng thời gian qua ở Ninh Bình.

Giá cáy tăng cao tạo thêm thu nhập cao cho những người đi săn cáy ở Ninh Bình thời gian qua.
Giá cáy tăng cao tạo thêm thu nhập cao cho những người đi săn cáy ở Ninh Bình thời gian qua.

Một lái buôn cáy cho biết, những ngày hè này giá cáy thường tăng cao theo giá cua. Giá cáy ngày thường chỉ khoảng 30 - 40 nghìn đồng/kg, nhưng đợt này tăng cao có khi lên đến 60 - 70 nghìn đồng/kg. Còn lại luôn ổn định ở mức 50 - 60 nghìn đồng/kg.

"Có ngày tôi thu mua vào cả tạ cáy nhưng cũng không đủ cấp cho thị trường. Mùa hè, cáy được người dân tiêu thụ mạnh, không chỉ ở Ninh Bình mà nhiều tỉnh khác cũng thu mua với số lượng lớn", bà Thủy lái buôn nói.

Cáy là loài giáp xác thường được gọi là cua càng đỏ. Cũng như cua đồng, cáy là loại thực phẩm có tính mát thường được dùng để nấu canh ăn vào mùa hè, các mùa khác thì người dân thường làm mắm cáy. Đặc biệt, món trứng cáy vào loại "hàng hiếm" có thể rang khô ăn rất ngon, lành hơn cua nên người tiêu dùng rất ưa chuộng và sử dụng nhiều.

Nghề đi săn bắt cáy bán ở Kim Sơn (Ninh Bình) có từ rất lâu với nhiều kiểu khác nhau. Người thì đi đào hang bắt cáy, người đi soi đèn săn vào ban đêm, hay đi câu cáy nhưng người dân sử dụng nhiều nhất là đặt lờ bẫy cáy.

Người dân đặt lờ bẫy cáy ở huyện Kim Sơn,Ninh Bình
Người dân đặt lờ bẫy cáy ở huyện Kim Sơn,Ninh Bình

Bà Phạm Thị Phượng (50 tuổi) xã Như Hòa có 30 năm đi săn cáy chia sẻ, loài cáy sống chủ yếu ở các bờ ruộng, bờ sông, bờ kênh mương, nắng càng to thì cáy bò ra đi tìm thức ăn càng nhiều. Tuy nhiên theo bà Phương cũng không dễ mà bắt được loài "nhát như cáy" này. Chỉ cần thấy có động nhẹ thì cáy đã nhanh chóng chui tọt xuống lỗ.

"Để bắt cáy phương pháp truyền thống chủ yếu là câu hoặc đi đào lỗ cáy, nhọc nhằn cả ngày cũng chỉ được vài ba cân, có khi chỉ vài lạng. Dựa vào đặc điểm cáy thường đi kiếm ăn mà những người thợ chuyên đi săn cáy làm ra chiếc lờ để bẫy cáy. Nghề này có vất vả hơn nhưng bắt được nhiều cáy, người đặt nhiều lờ có ngày kiếm được cả chục kg cáy", bà Phượng nói.

Để đầu tư đồ nghề, những người thợ săn chỉ cần bỏ ra một vài triệu mua lờ về đặt là có thể hành nghề và kiếm tiền. Lờ cáy được làm từ những nan tre già có độ cứng và bền cực cao. Lờ cáy được đan hình giống quả hồ lô, một đầu để cho cáy chui vào ăn mồi, đầu còn lại là cáy chui vào là không ra được. Để thu hút được cáy, người đặt lờ phải làm mồi đặt vào bên trong lờ. Mồi để nhử này thường là cám gạo trộn với bột sau đó rang lên có mùi thơm để thu hút cáy.

Thính thơm đặt vào trong lờ để thu hút cáy
Thính thơm đặt vào trong lờ để thu hút cáy

"Mỗi ngày tôi đặt hơn 300 chiếc lờ, ngày ít cũng được từ 4 kg đến 6kg cáy, ngày nhiều thì 8kg đến 10kg. Với giá cáy cao như hiện này, kiếm được vài ba trăm nghìn một ngày không khó, có ngày được cả nửa triệu là chuyện bình thường", anh Cảnh nông dân xã Thượng Kiệm cho hay.

Không chỉ anh Cảnh, mà nhiều nông dân làm nghề săn cáy khác ở Ninh Bình cũng rất phấn khởi khi được hỏi về nghề "hái ra tiền" từ cáy này. Anh Thành một nông dân xã Cồn Thoi tâm sự: "Mỗi tháng mà tiết kiệm cũng gần chục triệu đồng từ nghề đặt lờ bắt cáy. Nhưng giờ cuộc sống gia đình còn khó khăn nên làm được đồng nào phải chi tiêu đồng đó, chưa tiết kiệm được nhiều. Nhiều gia đình nhờ nghề bắt cáy mà sắm đủ thứ vật dụng trong nhà, nuôi con cái ăn học đến nơi. Những năm gần đây, nhờ cáy mà chúng tôi đổi đời".

Nhờ nghề đặt lờ bắt cáy, nhiều nông dân ở Ninh Bình có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, con cái được học hành đến nơi.
Nhờ nghề đặt lờ bắt cáy, nhiều nông dân ở Ninh Bình có thu nhập cao, đời sống được nâng lên, con cái được học hành đến nơi.

Thái Bá