Những nữ cửu vạn không có ngày 8/3 ở chợ Long Biên

Khi Thủ đô chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên (TP. Hà Nội) lại mò mẫm trong đêm tối chuẩn bị đòn gánh, xe kéo... để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Bao năm lấy đêm làm ngày, công việc “bán sức” lao động này của họ cứ thế diễn ra tuần tự theo vòng thời gian, cũng vì nghiệp mưu sinh.

Khi Thủ đô chìm sâu vào giấc ngủ cũng là lúc những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên (TP. Hà Nội) lại mò mẫm trong đêm tối chuẩn bị đòn gánh, xe kéo... để bắt đầu một ngày làm việc mới.

Bao năm lấy đêm làm ngày, công việc “bán sức” lao động này của họ cứ thế diễn ra tuần tự theo vòng thời gian, cũng vì nghiệp mưu sinh.

Cứ ráo mồ hôi là... hết tiền

Trời càng về khuya, khu chợ đầu mối Long Biên càng trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Từng đoàn xe tải lầm lũi tiến vào chở theo những sọt rau củ tươi, thùng hàng hoa quả đầy ăm ắp.

Chẳng mấy chốc toàn bộ hàng hóa đã được nhóm chị em làm cửu vạn tại chợ nhanh chóng “bao thầu”, thoăn thoắt bốc dỡ, gánh gồng về các kho hàng. Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ có đấng mày râu mới dám lựa chọn, thế nhưng ở chợ đầu mối này lực lượng nữ cửu vạn lại chiếm ưu thế.

Những nữ cửu vạn không có ngày 8/3 ở chợ Long Biên - 1
Những người làm nghề cửu vạn ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) phần lớn đều là phụ nữ. Ảnh: PV

Nghề cửu vạn là một công việc vất vả, đối với phụ nữ càng trở nên khó khăn gấp bội phần. Đồ nghề của họ đơn giản chỉ là một chiếc kéo tay, đoạn dây thừng hay vài cái đòn gánh được đẽo bằng thân tre cứng cáp thì mới có thể chịu được sức nặng lên tới cả trăm ki lô gam mỗi ngày.

Kéo hàng lâu năm, người bị vẹo cổ, người bị đau nhức xương khớp thường xuyên cũng chuyện như cơm bữa của những phụ nữ làm nghề bốc vác, cửu vạn nơi đây.

Xoa xoa đôi bàn tay bầm đỏ vẫn còn hằn nguyên vết dây thừng, bà Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1969, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tâm sự: “Làm nghề này vất vả, cứ ráo mồ hôi một lúc là hết tiền. Hôm nào, tôi làm cật lực từ 21h đêm đến 10h sáng hôm sau thì may ra đủ chi tiêu trong ngày. Ở quê tuy làm nông, sướng hơn nhiều, nhưng chẳng kiếm đâu ra nổi 5.000 đồng”.

Theo bà Phượng, hôm nào năng suất, bà kéo được 20 chuyến xe chở rau củ từ xe tải xuống chỗ buôn bán của các tiểu thương ở chợ. Mỗi gánh hàng, tùy theo cân nặng, bà được chủ xe trả từ 7.000-8.000 đồng/gánh.

Gom góp lại, tính ra cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, đủ để bà trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, số tiền còn lại bỏ lọ tiết kiệm cũng chẳng được mấy hào.

Nữ cửu vạn “bé nhất” chợ Long Biên

Vỏn vẹn chỉ có 37kg, thế nhưng bà Lê Thị Lợi (sinh năm 1961, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại được nhóm chị em trong đội cửu vạn tín nhiệm là người thạo nghề bốc vác, gánh hàng hóa nhất ở chợ đầu mối Long Biên.

Khi nghe nói có người muốn tìm hiểu về công việc “lấy ngày làm đêm” này, bà Lợi lắc đầu quầy quậy: “Cực lắm, sức trẻ như cô chưa chắc đã chịu nổi đâu. Nhắm xem có làm nổi hẵng vào, còn không thì tìm công việc khác mà làm. Tôi khuyên thật”. 

Bà Lợi chia sẻ thêm, làm công việc này đến nay đã ngót nghét gần 15 năm, thế nhưng tiền công mỗi chuyến hàng rất "bèo". Gánh xong chỗ này, ngay lập tức, bà phải nhanh chân chạy đến chỗ kia, lùng sục vào các kho hàng thì may ra mới có suất. Nếu không nhanh chân, họ lại gọi người khác mất.

Chị em nào làm cái nghề này ở chợ cũng đều phải giắt theo mình một lọ dầu gió hay mấy lá trầu không như một vật bảo hộ, để phòng những lúc đau ốm, toàn thân mệt mỏi lúc giữa ca.

Công việc của cửu vạn bận rộn nhất vào nửa đêm và lúc rạng sáng nên ai cũng phải ra sức làm cật lực. Người gánh, người vác, người đẩy, đến 8h sáng thì hết phiên.

“Ban đầu chỉ đi gánh thuê, nhưng muốn kiếm thêm thu nhập, chúng tôi phải kiêm luôn việc bốc dỡ hàng hóa. Những ngày đầu mới vào nghề, do chưa quen với công việc nặng nhọc, nhiều lần tôi đã khóc, đã muốn quay về. Nhưng cứ nghĩ đến các con, nghĩ đến gia đình, tôi không đành lòng. Sau mỗi buổi làm việc vất vả như vậy, chúng tôi chỉ mong nhanh nhanh về nhà trọ để nghỉ ngơi, ăn uống... chờ đến tối lại tiếp tục công việc chứ chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ đến ngày lễ, ngày 8.3 dành riêng cho chị em mình” - bà Lợi cho hay.

Những nữ cửu vạn không có ngày 8/3 ở chợ Long Biên - 2

Chị Đoàn Thị Trường chỉ mong ngày nào công việc cũng đều đặn, có nhiều kiện hàng để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: PV

Những người phụ nữ không có ngày 8.3

Đối với những người phụ nữ làm nghề bốc vác, cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên, ngày 8.3 của họ cũng như bao ngày khác. Mong ước lớn nhất của họ không phải là hoa hay quà cáp mà đơn giản chỉ là có thật nhiều là sức khỏe để tiếp tục công việc lao động nuôi sống bản thân và gia đình.

Với số tiền ít ỏi, nhiều chị em trong đội thà chịu đau còn hơn được nghỉ ngơi trong cảnh ế ẩm rồi ra về với hai bàn tay trắng. Đối với họ, gánh “áo cơm” có khi còn nặng hơn gấp trăm lần những gánh hàng.

Trệu trạo nhai miếng bánh mì khô khốc để lót dạ cho bữa sáng, chị Đoàn Thị Trường (sinh năm 1970, quê ở Thái Bình) cố nở một nụ cười méo xệch: “Tôi đang lo không kiếm được đủ tiền gửi về cho con đóng học phí chứ nghĩ gì tới hoa. Chúng tôi lên đây đều một thân một mình, lúc khỏe mạnh thì không sao chứ cứ hễ đau ốm là tủi thân lắm. Giữa nơi đất khách quê người, chỉ mong sao cho chân tay dẻo dai, ngày nào cũng có hàng gánh là phúc lắm rồi”.

Bà Trường nói rằng, phần lớn những người phụ nữ làm nghề gánh hàng, bốc vác thuê ở chợ Long Biên hầu hết đều rơi vào hoàn cảnh “cực chẳng đã”. Họ đa phần đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, đã quá tuổi lao động nên nhiều công ty, xí nghiệp không nào chịu nhận. Hoặc ở địa phương họ không có nghề phụ, không vốn liếng kinh doanh nên đành phải cắn răng bán sức lao động với cái giá rẻ mạt này.

Với họ, ngày Quốc tế Phụ nữ là những khái niệm xa vời, còn cuộc sống của họ chỉ thuần túy là những nỗi lo rất thực. Phía sau đôi vai gầy mỏng manh là nỗi lo toan, là cả một gia đình với những đứa con đang tuổi ăn, tuổi học...

Vất vả là thế, nhưng niềm hạnh phúc của họ lại rất đỗi giản dị.

“Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 8.3 là đứa con trai đầu lòng lại gọi điện chúc mừng chị. Không hoa, cũng chẳng quà, nó chỉ nói mấy câu thế thôi nhưng người mẹ nào nghe được cũng ứa nước mắt chứ chẳng chơi. Chỉ hi vọng mình khỏe mạnh để tiếp tục làm việc, có đủ tiền lo cho hai đứa học hành đến nơi đến chốn là chị mừng lắm rồi” - chị Hoàng Thị Thắm (sinh năm 1980, ở Ninh Bình) tâm sự.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1965) - quản lý chợ Long Biên - cho biết: Chợ Long Biên là một trong những đầu mối trung chuyển hàng hóa sôi động nhất nhì tại khu vực miền Bắc. Mỗi ngày, có hàng chục tấn nông sản từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đổ về đây nên cần rất nhiều lực lượng lao động như bốc vác, chuyên chở hàng hóa...

Theo ông Thắng, khác với những khu chợ khác, phần lớn đội ngũ ở cửu vạn ở chợ Long Biên đều là chị em phụ nữ. Tuy là phận “chân yếu tay mềm” thế nhưng họ rất chăm chỉ, nhiều chị em làm quần quật từ 21 giờ đêm đến 8h sáng hôm sau mà không biết mệt. Phần lớn họ đều đến từ khắp các tỉnh thành như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bắc Ninh... rồi cùng tụ họp tại đây để mưu sinh.

Theo Lan Nhi - Phạm Đông/Lao động