1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những người đàn bà ở hẻm

Họ không phải là dân ngụ cư từ nơi khác đến. Họ đều có hộ khẩu là người ở trung tâm thành phố hoa lệ nhưng không một tấc đất cắm dùi và lấy ngõ làm nhà. Mỗi khi Tết đến Xuân về, họ chẳng biết đi đâu về đâu và một nén nhang đốt lên cũng chẳng biết cắm ở chỗ nào cho phải đạo.

Chỉ còn lại cái hộ khẩu

Có lẽ không nhìn vào hộ khẩu, vật quý báu duy nhất mà bà Sơn cất kỹ trong cái tủ nhôm nhỏ có khóa, tôi khó tin được rằng bà là người dân gốc ở trung tâm thành phố Sài Gòn này. Bà Sơn năm nay đã 70 tuổi, bà kể: “Chồng tôi chết, con hai đứa thì một đứa ốm mất, một đứa nghiện ngập mà chết. Nhà cửa bán hết lo cho chồng bệnh, con bệnh, đến lúc mình già thì hóa ra thế này”.

Những ai qua lại ngõ 345 đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM, nhất là vào buổi tối, thường thấy một cụ già kê chiếc giường xếp ngủ ngay trên lối đi. Gọi là ngõ, nhưng đường đi lối lại khá rộng, xe ô tô vào ra được, xung quanh nhiều nhà cao rộng, thậm chí cả cao ốc nữa.


Chị Ái Mỹ một mình nuôi con 2 thập kỷ trong con hẻm này.

Chị Ái Mỹ một mình nuôi con 2 thập kỷ trong con hẻm này.

Ngày thì bà Sơn ngồi bán cà phê sau cái tủ nhỏ. Buối tối, bà bật ghế bố ra nằm ngủ bên ngoài hàng rào nhà người ta, trong lúc những chiếc xe máy bật đèn sáng ra vào con ngõ. Người chủ ngôi nhà mà bà Sơn thường ngủ ngoài hàng rào. Thấy tôi chụp hình bà cụ, mở cửa ngó đầu ra ngõ, bảo: “Tôi sinh đứa con đầu cách đây 24 năm, cũng năm ấy bà Sơn ra ngõ này ở, tính ra chính xác là 24 năm đó”.

Trời mưa, con ngõ nhầy nhụa, nhớp nháp, bà Sơn mới bị té, gãy chân. Bó bột trắng, đau nhức, bà bảo: “Mọi người quyên góp giúp tôi tiền đi mổ chân, nếu không thì chẳng biết phải làm thế nào”. Tối đến, hôm tạnh ráo, bà cứ nằm phơi cái chân bó bột dưới trời cao mà ngủ, không có quạt nên cũng khá nóng. Gặp hôm trời mưa thì mấy chàng trai quanh ngõ ra chăng giùm bà một mảnh vải bạt cũng do người dân cho bà, để bà chui vào ngủ, không bị mưa ướt hết chỗ bó bột.

Bà ôm cái hộ khẩu còn ghi địa chỉ phường Cầu Kho, nhưng nhà thì đã bán đi từ 25 năm trước, nói: “Tuổi này, tôi chẳng bao giờ mơ có nhà. Tôi cũng không muốn làm phiền ai nên tự kiếm sống bằng nghề bán cà phê trong cái hẻm này. Đây cũng là quê quán của tôi”.

Người nghèo không biết tết

Đi sâu vào trong ngõ 345 này, lại gặp một người đàn bà tuy trẻ hơn bà Sơn, độ tuổi gần 50, nhưng cũng đã ngủ hẻm 20 năm rồi. Chị có cái tên khá đẹp là Ái Mỹ nghĩa là yêu cái đẹp, nhưng chồng bệnh, kinh tế khó khăn, đã bán nhà ra ngõ mà ở từ khi tóc còn xanh đến nay tóc đã pha sương.


Nơi nương trú của bà Sơn 24 năm qua

Nơi nương trú của bà Sơn 24 năm qua

Chị Ái Mỹ bảo: “Tôi người theo đạo Công Giáo nhưng hai mươi năm nay chưa được đi chơi lễ Noel. Nghe nói ở quận 8 làm Noel đẹp lắm, mà không thể đi đâu được”. Đêm 30 Tết, trời tối thui, nhà nhà hương khói khấn vái, xem ti vi, hát hò chúc nhau bao điều ước.

Chị kể: “Tôi theo đạo, không thờ cúng gì, nhưng người dân khuyên nên cúng các vị thần thổ công ở trong ngõ khi giao thừa, nên tôi cũng thấy trống chỗ nào thì cắm cho các vị thần mấy nén hương. Có Tết không ngủ được, vì thiên hạ vui vẻ quá, ồn ào quá, nên mẹ con chỉ biết nằm chờ trời sáng”.

Hồi mới bán nhà ra hẻm, chị dựng một cái lều nát, nhưng nhiều người không đồng tình vì thành phố ngày càng phát triển hiện đại văn minh mà lều lá trên ngõ là mất mỹ quan đô thị, từ đó chị ngày bán cà phê, tối thì dựng những mảnh ván tạp nham quây lại thành lô cốt mà ngủ. Sáng sớm ra tự lo mà dẹp hết cả. Ấy vậy nên cái điện thoại hơn 1 trăm nghìn bạc, quay lưng đi, mất liền.

Chị Ái Mỹ than vãn: “Vào mùa mưa thì mưa miết, mấy tháng liền. Lấy tấm ván dựng tùm lum để nằm mà mưa tạt lắm. Mưa ào ào mấy tháng không thể yên giấc chỉ khi nào tạnh mưa mới ngủ được. Thấy cảnh này không ông nào rớ vô, một tay nuôi con hơn hai mươi năm giờ nó đi làm bảo vệ, làm bốc vác được rồi”.

Ba thế hệ ra rìa

Cũng trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn thuộc phường Cầu Kho, rẽ vào một quãng sâu hơn, tôi gặp gia đình bà Đức cũng gần 60 tuổi, cả nhà ngủ trong hẻm.

Gọi là cả nhà ngủ hẻm vì ngoài bà Đức ngủ võng, còn con gái tên Huệ và chồng là anh Thắng (người gốc Huế) với bốn đứa cháu ngoại con vợ chồng Huệ ngủ trên những chiếc giường sắt. Ban ngày, họ bán cà phê cóc đầu ngõ, giường chõng đem gửi dấu ở cuối ngõ, khoảng 6 giờ tối thì khênh hết cả ra, 7 người ngủ.

Anh Thắng kể: “Má vợ tui người Sài Gòn chính gốc đó, nhưng đại gia đình 9 người cộng thêm dâu rể con cháu thì làm sao ở đủ trong ngôi nhà bề ngang 1,2m, dài 20 mét. Cứ tối đến thì mỗi người một cái ghế bố, đi tìm chỗ mà ngủ. Chúng tôi ở trong ngõ này, vợ đẻ con được 7 ngày nằm trong bệnh viện phụ sản thôi, sau đó mang về lại ngủ hẻm mà lớn dần lên”.

Ban đầu, tôi cứ nghĩ gia đình họ từ nơi khác đến thành phố lưu lạc làm ăn nên mới sống đời màn trời chiếu đất thế này, nhưng anh Thắng thanh minh: “Chúng tôi có hộ khẩu thành phố hẳn hoi mà, phường mấy lần xuống xác minh, biết hoàn cảnh nhà cửa chật quá, khó khăn thật sự, nên mới cho ở trong ngõ chứ”.

Chật vật mưu sinh

Chị Huệ bán cà phê nhưng không dễ kiếm ăn như người ta tưởng bởi chỉ trong một khúc phố mà có 6 quán cà phê cóc nên chúng đều vắng khách. Thắng làm thợ hồ, thợ sơn, tiền công ngày 250.000 đồng, phụ vợ nuôi bốn đứa con.“Không mua nhà nổi, sống lay lắt qua ngày, không dám mơ có nhà”. Bé Gia Hân học lớp 4, sinh năm 2007, lúc rảnh bế em, trông em, cũng chỉ là tìm chỗ râm mát trong ngõ mà ru em ngủ: “Mưa tạt, phải chịu. Mưa ướt hết trơn như chuột lột”.


Bé Gia Hân trông chừng đứa em chơi trên ngõ.

Bé Gia Hân trông chừng đứa em chơi trên ngõ.

Chị Ái Mỹ kể: “Điện câu nhờ nhà người ta 3.000 đồng ký. Đi vệ sinh, đi tắm trong kho của Tổng đội TNXP gần đây”. Chị Ái Mỹ không tiếc khi bán nhà chữa bệnh cho ba má mình, nhưng chị cũng buồn vì cuộc sống hơn hai mươi năm vẫn màn trời chiếu đất.

Chị kể: “Không có vốn thì phải vay nặng lãi để trang trải, mua đồ để bán. Lệ là vay 5 triệu thì tiền gốc còn nguyên, tiền lãi phải trả 75.000 đồng mỗi ngày. Có lúc ốm đau vào bệnh viện, phải vay mượn 20 triệu, nhờ con đi làm bốc vác phụ thêm, trả mấy năm vẫn còn chưa xong”. Ấy vậy mà chị Mỹ lạc quan bảo: “Ốm đau vào bệnh viện, mới thấy nhiều người còn khổ hơn mình nữa”.

Thành phố ngày càng văn minh, người ta ăn mặc đẹp, uống cà phê ngon, những quán cà phê cóc trong hẻm sâu mỗi ngày không thể kiếm được vài trăm bạc để sinh sống và trả nợ. Chị Mỹ kể: “Đời chúng tôi bị các chủ nợ cho vay nặng lãi giam hãm không thoát ra được. Mới trả hết món này thì lại phải vay món khác rồi”. Bà Sơn cũng nhăn nhó với cái chân đau kể: “Ngày bán được trăm, bảy tám chục tiền cà phê thôi. Bán cà phê mà cũng mất dần cả vốn, không có tiền mua hàng”.

Chị Ái Mỹ nói rằng chị không dám ước ao những người thất nghiệp và cao tuổi thì có được tiền trợ cấp như các nước mà báo chí người ta vẫn thường nói với nhau. Chị nghĩ rằng “Mình tự nuôi mình hơn chờ ai nuôi”, nhưng cuộc đời những người có hộ khẩu mà không có nhà như chị thì rất khó vay vốn ưu đãi để thoát khỏi cảnh làm con tin cho xã hội đen.

Chị Ái Mỹ bảo: “Đời vẫn còn nhiều người khổ hơn chúng tôi. Chỉ ước là tiếp cận được vốn vay ưu đãi, giảm được nợ lãi của đám cho vay nặng lãi, thì đời chúng tôi cũng đã bớt vất vả rồi”.

Chúng tôi đã gặp chị Bùi Thị Kim Nguyệt là tổ trưởng tổ dân phố nơi bà Sơn và chị Ái Mỹ sinh sống. Chị Kim Nguyệt bảo: “Chị Ái Mỹ vẫn có nhà của bà chị gái, nhưng nhà mười mấy mét vuông mà mười mấy nhân khẩu nên cũng không ở nhà được nên ra bán cà phê rồi ở ngoài ngõ luôn. Còn chị Sơn, trước cũng có nhà, vì khó khăn bán đi, ra chỗ đó ở. Chị Sơn được phường cho vào hộ nghèo, có cơm từ thiện thì giúp cho chị ngày 2 suất, có bảo hiểm dành cho người nghèo”. Hỏi về tình hình khu phố, người cán bộ tổ dân phố này kể: “Tiếng là phường nằm trung tâm thành phố, nhưng dân chúng tôi nghèo nhiều lắm. Tổ 8 khu phố 1 chúng tôi có 33 hộ thôi, nhưng có mười mấy hộ nghèo. Tuy nghèo chưa tới mức độ trợ cấp thường xuyên, nhưng rất nhiều người nghèo, chủ yếu là tuổi già, không còn bươn chải được như xưa”.

Theo Tiền phong